Những dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro
Trong Công văn số 3029/NHNN-TTGSNH gửi các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mới đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết: Qua theo dõi, giám sát tình hình hoạt động ngân hàng năm 2020, cơ quan này nhận thấy một số TCTD có nhiều dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro.
Đầu tư trái phiếu doanh nghiệp nhằm mục đích xây dựng, kinh doanh bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Một số ngân hàng thương mại có số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp trái phiếu doanh nghiệp tăng lớn so với năm 2019, trong đó, mức tăng thêm tập trung chủ yếu vào lĩnh vực xây dựng và kinh doanh bất động sản.
Cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh chứng khoán tăng lớn so với năm trước. Tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ tín dụng, tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản cao...
Trước đó, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết: Đến hết quý I/2021, tín dụng bất động sản đạt 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 3%, cao hơn tăng trưởng tín dụng trung bình trong toàn ngành.
Còn theo số liệu của Cục Thống kê TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh mới đây, cho vay bất động sản tại Hà Nội đạt 423 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 20,8% tổng dư nợ cho vay tại địa bàn; trong tổng số dư nợ tại TP. Hồ Chí Minh, dư nợ cho vay bất động sản xấp xỉ khoảng 350 nghìn tỷ đồng, chiếm 13,5% tổng dư nợ.
Kiểm soát tín dụng đối với bất động sản, chứng khoán, dự án BOT, BT
Để đảm bảo an toàn hoạt động và hạn chế rủi ro, trong Công văn số 3029/NHNN-TTGSNH, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các TCTD kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông. Trong đó lưu ý:
Kiểm soát chặt chẽ mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn, các dự án bất động sản có quy mô lớn; cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh bất động sản. Tăng cường công tác thẩm định, thực hiện các biện pháp phòng ngừa rủi ro, thận trọng cấp tín dụng đối với các khoản tín dụng bất động sản tại các địa bàn đang sốt đất, các dự án tiềm ẩn mức độ rủi ro cao.
Kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng của dư nợ tín dụng đầu tư kinh doanh chứng khoán để hạn chế rủi ro. Tuân thủ các quy định về điều kiện, giới hạn cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn để cho vay trung và dài hạn, trong đó có liên quan đến các dự án BOT, BT giao thông để hạn chế rủi ro thanh khoản. Tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước liên quan đến việc cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông.
Đối với các dự án mới, thực hiện theo cơ chế thương mại thông thường. Các TCTD kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng, xem xét, quyết định cho vay đối với các dự án trên cơ sở thẩm định hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng và khả năng cân đối nguồn vốn theo quy định của pháp luật. Tăng cường kiểm soát rủi ro, kiểm soát nguồn thu của dự án; kiểm soát chặt chẽ mức độ tập trung tín dụng, đảm bảo giới hạn tín dụng theo quy định…
Với các dự án TCTD đã và đang tài trợ vốn, theo dõi chặt chẽ, đánh giá thực trạng toàn bộ các dự án BOT, BT giao thông để có giải pháp xử lý phù hợp, kịp thời. Chủ động phối hợp với khách hàng để giải quyết khó khăn, vướng mắc. Trường hợp phát sinh các vấn đề vượt thẩm quyền, chủ động phối hợp với khách hàng để đề xuất kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý. Cần tập trung xử lý đối với các dự án hiện nay chưa được thu phí trở lại, các dự án doanh thu không đạt dự kiến do nguyên nhân khách quan.
Ngoài ra, các TCTD phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn của doanh nghiệp phát hành trái phiếu đảm bảo việc sử dụng vốn đúng mục đích khi phát hành trái phiếu của doanh nghiệp; thường xuyên theo dõi, đánh giá để xác định sớm các dấu hiệu bất thường; tập trung rà soát việc đầu tư trái phiếu đối với các doanh nghiệp có số dư phát hành trái phiếu lớn.
Trước đó, tại Hội nghị triển khai công tác tín dụng năm 2021, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng đã yêu cầu các TCTD cũng phải tự điều hành dư nợ tín dụng của ngân hàng mình sao cho mở rộng đi đôi với an toàn tín dụng, tăng trưởng tín dụng ở các lĩnh vực theo đúng chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, phù hợp với cơ cấu nguồn vốn, phòng ngừa rủi ro. Đặc biệt, “không đánh đổi lợi nhuận với rủi ro” bởi rủi ro của một TCTD cũng có thể ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng.