Kinh tế ban đêm: Tiềm năng lớn nhưng không dễ làm26/07/2024 - 15:47:00 Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2020 (Quyết định số 1129) phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế ban đêm (KTBĐ) nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước và phát triển du lịch, thông qua tập trung phát triển lĩnh vực dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí, dịch vụ ăn uống, dịch vụ mua sắm và du lịch diễn ra từ 06 giờ tối hôm trước đến 06 giờ sáng hôm sau. Quyết định số 1129 đưa ra danh mục các địa phương, đô thị lớn được thí điểm kéo dài thời gian tổ chức hoạt động dịch vụ ban đêm.Cho đến nay, quá trình thực hiện Quyết định số 1129 đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Theo tổng hợp, thống kê của nhóm nghiên cứu Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), trong giai đoạn 2020-2023, có 1/3 số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành các chương trình, kế hoạch, đề án thực hiện Quyết định số 1129 trên địa bàn. Điều đó cho thấy, nhận thức của các bộ, ngành, địa phương về chủ trương, quan điểm, mục tiêu và các giải pháp phát triển KTBĐ đã có những chuyển biến tích cực. Các địa phương đã chia sẻ được một số cách làm mới, điển hình tốt về phát triển KTBĐ…
Trên cơ sở đó, các địa phương đã mạnh dạn hơn trong triển khai các giải pháp phát triển KTBĐ. Đơn cử là Hà Nội, trong thời gian qua luôn tiên phong nỗ lực tăng doanh thu ngành du lịch bằng việc tổ chức hoạt động kinh tế du lịch đêm. Hà Nội có một số khu vực hoạt động KTBĐ như khu Tạ Hiện, phố đi bộ Hồ Gươm cuối tuần, phố ẩm thực Tống Duy Tân, thành cổ Sơn Tây; cho phép một số quán bar, nhà hàng trong khu phố cổ mở cửa đến 2 giờ sáng… Cùng với đó là một số sản phẩm du lịch đêm mới được tổ chức gần đây như: Tour tham quan Hỏa Lò về đêm với 3 chủ đề khác nhau; Tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám “Tinh hoa Đạo học”; Tour đêm “Giải mã Hoàng Thành” tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long; Chương trình nghệ thuật “Huyền thoại tuổi thanh xuân - Sống một đời đáng sống” tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam; Tour xe đạp “Đêm Thăng Long - Hà Nội”; sản phẩm du lịch “Đêm Hà Nội - Điểm chạm của những xúc cảm”… Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế cũng cho thấy, quá trình thực hiện phát triển KTBĐ còn nhiều hạn chế, thách thức. Nổi lên là hiệu quả của các hoạt động KTBĐ đóng góp vào phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nói chung và ở nhiều địa phương nói riêng vẫn thấp hơn nhiều so với tiềm năng. Các hoạt động còn kém đa dạng, sáng tạo, khi mới chỉ tập trung vào các nội dung tương đối truyền thống (tổ chức phố đi bộ, ẩm thực…), trong khi các hoạt động khác như biểu diễn nghệ thuật còn thiếu. Các chuyển biến về chính sách cụ thể hướng tới phát triển KTBĐ cũng chưa nhiều. Thực tế cho thấy, không ít địa phương chỉ mới cụ thể hóa các đề án, kế hoạch phát triển KTBĐ trên địa bàn vào năm 2023, tức là năm thứ 3 kể từ khi Quyết định số 1129 được ban hành. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông ở từng địa phương và kết nối giữa các tỉnh, thành chưa được đầu tư đồng bộ; một số hệ thống giao thông đến các khu, điểm du lịch xuống cấp. Các dự án trọng điểm, tạo động lực phát triển du lịch nói chung và KTBĐ của một số địa phương chậm được triển khai. Các hoạt động kinh tế chia sẻ gắn với khung giờ ban đêm còn tương đối đơn giản, việc ứng dụng công nghệ số vào công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động KTBĐ chưa có nhiều đổi mới. Đáng chú ý, dù đã được nhận diện trong Đề án Phát triển KTBĐ, hoạt động KTBĐ trong thời gian qua vẫn tiềm ẩn rủi ro gia tăng các loại tội phạm và kéo theo những tệ nạn xã hội phổ biến gây khó khăn cho việc quản lý. Sự phát triển của ngành dịch vụ và tiêu dùng nội địa - yếu tố ngày càng quan trọng trong bối cảnh hiện nay - sẽ là một trong những động lực tăng trưởng bền vững cho kinh tế Việt Nam trong những năm tới. Trong đó, phát triển KTBĐ là yếu tố không thể thiếu để thúc đẩy động lực này. Một số khảo sát và tính toán của các doanh nghiệp lữ hành cho thấy, chi tiêu của du khách vào ban đêm chiếm tới 70% mức chi tiêu toàn bộ hành trình. Để phát triển các mô hình KTBĐ hiệu quả, nhiều chuyên gia cho rằng, các bộ, ngành và địa phương cần tổ chức thực hiện sớm, đầy đủ, thực chất, hiệu quả cao nhất các nhiệm vụ được giao tại Quyết định 1129, cũng như tại các đề án, kế hoạch thực hiện phát triển KTBĐ ở địa phương. Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM), cần chú trọng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, thương mại và các hoạt động, sản phẩm dịch vụ KTBĐ song hành để thu hút khách lưu trú, sử dụng các hoạt động ban đêm. Cùng với đó, thực hiện tổng rà soát các quy định pháp luật liên quan đến phát triển KTBĐ và phân công, phân nhiệm của các cơ quan liên quan, trên cơ sở đó tháo gỡ những vướng mắc, chồng chéo trong các quy định liên quan và chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan liên quan, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh ở mức độ phù hợp nhằm tạo điều kiện cho phát triển KTBĐ. Song hành với đó, cần tiếp tục nâng cao nhận thức, tư duy của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, doanh nghiệp và người dân đối với phát triển KTBĐ, thông qua các mô hình, hoạt động cụ thể, sáng tạo, gắn với bối cảnh và các nền tảng, công cụ mới (như ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số) đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật. Một trong những điểm mấu chốt là các mô hình hoạt động, sản phẩm mới cần sự sáng tạo và hàm chứa những câu chuyện văn hóa, bản sắc, sự khác biệt… để chạm tới cảm xúc, để lại ấn tượng sâu sắc với du khách. Cùng với đó, cần tăng cường năng lực nghiên cứu, đánh giá, dự báo xu hướng phát triển của các mô hình kinh tế nói chung và KTBĐ nói riêng ở Việt Nam; mức độ tương tác giữa mô hình KTBĐ và các mô hình kinh tế mới khác; các cơ hội, thách thức đối với nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân. Cùng với đó, nghiên cứu, học hỏi có chọn lọc kinh nghiệm phát triển KTBĐ ở các nước, các đô thị lớn ở các nước trên thế giới, trên cơ sở đó đề ra các định hướng, giải pháp hoàn thiện chính sách phát triển KTBĐ ở Việt Nam; lồng ghép các giải pháp này vào chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, các địa phương, cũng như kiến nghị định hướng hợp tác với các nước về các nội dung liên quan đến phát triển KTBĐ. Theo Thời báo ngân hàng
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|