Kinh tế khó khăn kéo số thu ngân sách nhà nước giảm05/08/2023 - 17:01:00 Cùng với kinh tế thế giới, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn đã tác động làm giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN) 7 tháng năm 2023.
Thu ngân sách giảm 7,8% 7 tháng năm 2023, do kinh tế tăng trưởng thấp, hoạt động sản xuất - kinh doanh của một số ngành công nghiệp chủ lực suy giảm như: sản xuất xe có động cơ, chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ; sản xuất kim loại, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học…; thị trường bất động sản chậm phục hồi; thị trường xuất khẩu khó khăn, cắt giảm đơn hàng; số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh, rút lui khỏi thị trường tăng cao kết hợp với thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất mới ban hành đã làm giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN). Theo số liệu từ Bộ Tài chính, lũy kế 7 tháng năm 2023, thu NSNN ước đạt 1.016,1 nghìn tỷ đồng, bằng 62,7% dự toán, giảm 7,8% so với cùng kỳ năm 2022. Cả ba khoản thu nội địa, thu từ dầu thô và thu xuất nhập khẩu đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu ngân sách trung ương ước đạt 65,8% dự toán; thu ngân sách địa phương ước đạt 59,2% dự toán. Không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước, số thu thuế, phí nội địa ước đạt 62,5% dự toán, giảm 1,4% so với cùng kỳ. Riêng trong tháng 7, tổng thu NSNN ước đạt 133,9 nghìn tỷ đồng, bằng 8,3% dự toán, bằng 91,1% (giảm 13,1 nghìn tỷ đồng) mức thu bình quân 6 tháng đầu năm. Đối với thu nội địa, trong 7 tháng đầu năm 2023, thu nội địa ước đạt 840 nghìn tỷ đồng, bằng 63% dự toán, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2022. Đến hết tháng 7, có 9/12 khoản thu nội địa đảm bảo tiến độ dự toán (đạt trên 60%), trong đó có 3 khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh; thu từ hoạt động sổ số kiến thiết; thu quỹ đất công ích và hoa lợi công sản khác; thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước; thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; thuế thu nhập cá nhân. Theo Bộ Tài chính, các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh (chiếm 53,3% dự toán tổng số thu nội địa) ước đạt 63,4% dự toán, tăng 2,7% so với cùng kỳ. Cũng theo Bộ Tài chính, nếu không kể thuế thu nhập doanh nghiệp đạt khá so với dự toán do doanh nghiệp đã tạm nộp 4/5 kỳ theo quy định thì số thu của 3 khu vực này chỉ bằng 90,3% cùng kỳ. Bên cạnh đó, thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước ước đạt 114,1% dự toán, tăng 95,6% so với cùng kỳ chủ yếu do số chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước đã nộp NSNN số phát sinh trong quý 4/2022, số chênh lệch quyết toán năm 2022 và số phát sinh 2 quý đầu năm 2023 là 28,9 nghìn tỷ đồng, tăng 24,9 nghìn tỷ đồng so với dự toán. Bên cạnh đó, có 3 khoản thu không đạt tiến độ dự toán gồm thu thuế bảo vệ môi trường ước đạt 31,4% dự toán, giảm 38,3% so với cùng kỳ; các loại phí, lệ phí ước đạt 56,4% dự toán, giảm 10,9% so cùng kỳ; các khoản thu về nhà, đất ước đạt 39,9% dự toán, giảm 53,7% so với cùng kỳ. 55 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ Về số thu trên địa bàn, ước tính có 27/63 địa phương thực hiện thu nội địa 7 tháng đạt trên 60% dự toán; 8/63 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ, trong khi có tới 55 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ. Bộ Tài chính cho hay, tính đến ngày 15/7/2023, cơ quan Thuế đã thực hiện 29,7 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra; kiểm tra 307 nghìn hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp; qua đó kiến nghị xử lý tài chính khoảng 32,9 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nộp NSNN khoảng 8,2 nghìn tỷ đồng (đã nộp vào ngân sách khoảng 5,8 nghìn tỷ đồng), giảm khấu trừ và giảm lỗ gần 24,7 nghìn tỷ đồng; đôn đốc thu hồi và xử lý nợ đọng thuế ước đến hết tháng 7 đạt khoảng 25,6 nghìn tỷ đồng. Đối với thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu, khoản thu này ước đạt gần 140 nghìn tỷ đồng, bằng 58,6% dự toán, giảm 22,7% so với cùng kỳ năm 2022 trên cơ sở tổng số thu thuế ước đạt 212 nghìn tỷ đồng, bằng 49,9% dự toán, giảm 19,3% so với cùng kỳ; hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ khoảng 72 nghìn tỷ đồng, bằng 38,7% dự toán. Thu từ xuất nhập khẩu giảm xuất phát từ hoạt động xuất nhập khẩu 7 tháng giảm so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tính đến 15/7/2023 đạt 343,6 tỷ USD, giảm 14,9%; trong đó kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá có thuế giảm 21,2% so với cùng kỳ. Các mặt hàng có đóng góp số thu lớn cho ngân sách giảm mạnh làm giảm nguồn thu NSNN trong lĩnh vực này, như: than, hóa chất và sản phẩm hóa chất, chất dẻo, sắt thép, nguyên phụ liệu dệt may, linh kiện điện tử, linh kiện ô tô... (giảm 27% so với cùng kỳ); xăng dầu các loại (giảm 17%),... Tính đến ngày 15/7/2023, cơ quan Hải quan đã thực hiện 982 cuộc thanh tra, kiểm tra, xử lý thu vào NSNN 395,5 tỷ đồng; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bắt giữ 9,82 nghìn vụ vi phạm với giá trị hàng hóa 4,17 nghìn tỷ đồng, xử lý thu vào NSNN 331 tỷ đồng. Về nguyên nhân dẫn tới số thu NSNN trong 7 tháng giảm, bên cạnh lí do xuất phát từ nền kinh tế, sản xuất kinh doanh của DN gặp khó khăn thì còn xuất phát từ việc thực hiện các chính sách tài chính hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. Trong thời gian qua, cơ quan Thuế, Hải quan tiếp tục triển khai các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Tổng số tiền đã miễn, giảm, gia hạn ước tính đến hết tháng 7 khoảng 109 nghìn tỷ đồng (miễn, giảm khoảng 31,6 nghìn tỷ đồng; gia hạn khoảng 77,4 nghìn tỷ đồng). Trong bối cảnh nguồn thu NSNN không thuận lợi trong khi vẫn phải đảm bảo nhu cầu chi NSNN cho các hoạt động thường xuyên, đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư phát triển và đặc biệt là việc tăng nhu cầu chi về an sinh xã hội, chi cho công tác phòng chống dịch bệnh... đã tạo ra thách thức lớn với cân đối NSNN. Tuy nhiên, Bộ Tài chính luôn xác định đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp, người dân thông qua các giải pháp hỗ trợ để cộng đồng doanh nghiệp, người dân an tâm vượt qua khó khăn, sớm khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó sẽ đóng góp trở lại cho nền kinh tế, cho NSNN và cũng là thực hiện nuôi dưỡng nguồn thu ổn định, lâu dài.
Theo Báo Công thương
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|