Theo dự báo của Bloomberg Economics, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5% trong quý IV/2021, sau khi tăng trưởng 4,9% trong quý trước, so với mức tăng trưởng 6-7% trước đại dịch.
Sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc là do tác động của một số yếu tố, trong đó yếu tố đầu tiên là các vấn đề của thị trường bất động sản. Cuộc khủng hoảng của tập đoàn China Evergrande Group đang là điển hình cho lĩnh vực này, khi đã xây dựng quá nhiều, vay mượn quá nhiều và nay đang phải trả nợ, khi doanh số bán đang chậm lại.
Do lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 25% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc, những vấn đề của lĩnh vực này đã gây sức ép lớn đối với toàn bộ nền kinh tế. Cùng với tình trạng thiếu điện, dịch tái phát, tốc độ tăng trưởng hiện nay không theo hình chữ V như dự báo sau khi giảm vào năm ngoái.
Theo các nhà kinh tế Tom Orlik và Bjorn Van Roye của Bloomberg, tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc đã chậm lại đáng kể và các biện pháp kích thích vẫn chưa được thực hiện. Trong khi Mỹ đang phải giải quyết tình trạng thiếu 5 triệu việc làm, và lạm phát cao nhất trong ba mươi năm, sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc đang gây thêm rủi ro cho kinh tế toàn cầu.
Đối với các nền kinh tế lớn, sự giảm tốc tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc vẫn chưa gây tác động. Theo các dự báo, tốc độ tăng trưởng hàng năm của Mỹ trong quý IV sẽ đạt 4,6%. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức cũng sẽ đạt mức tương tự. Và kinh tế Nhật Bản cũng sẽ tăng trưởng mạnh.
Tình hình của các thị trường mới nổi ít ấn tượng hơn. Kinh tế Ấn Độ đang tăng trưởng chậm lại khi đà phục hồi ban đầu yếu đi.
Điều đó có nghĩa hầu hết các nền kinh tế lớn sẽ khép lại năm nay với GDP vẫn chưa đạt mức trước đại dịch.