Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhu cầu thiết yếu cho nhân dân (Ảnh: M.P) 

Găm hàng, tăng giá, trục lợi chỉ là hiện tượng cục bộ

Cùng với việc phải giãn cách, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhu cầu thiết yếu cho nhân dân, đặc biệt đối với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người mất công ăn việc làm do dịch bệnh; không để thừa thiếu hàng hóa, ách tắc lưu thông.

Thực tế, trong bối cảnh nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, cũng đã có hiện tượng một số tổ chức, cá nhân đơn lẻ lợi dụng tình trạng thiếu hàng cục bộ để tăng giá nhưng về cơ bản đã được ngăn chặn, các cơ quan chức năng, quản lý thị trường cũng đã tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát việc niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết và xử lý nghiêm các hiện tượng tăng giá bất hợp lý. Qua đó, kịp thời bảo đảm đời sống người dân trong tình trạng dịch bệnh.

Đặc biệt, trong thời gian qua, với vai trò cơ quan thường trực Ban chỉ đạo điều hành giá, Bộ Tài chính (mà đại diện là Cục Quản lý giá) đã kịp thời tham mưu triển khai công tác quản lý, điều hành giá trên quan điểm thận trọng, đảm bảo hài hòa các mục tiêu chung. Theo đó, trên cơ sở tổng hợp báo cáo của Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã có văn bản số 3025/VPCP-KTTH chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương các biện pháp quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát để hỗ trợ thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ vừa giữ bình ổn mặt bằng giá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã có công văn số 4896/BTC-QLG đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường trên địa bàn, đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành theo chức năng tổ chức thực hiện những biện pháp quản lý giá đối với một số mặt hàng cụ thể để kịp thời bình ổn giá thị trường, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội gắn với yêu cầu đặt ra cho công tác phòng chống dịch. Hiện nay, các bộ, ngành, địa phương rất quyết liệt trong tổ chức triển khai các giải pháp về quản lý, điều hành giá thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao.

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp quản lý, điều hành giá

Trước những ý kiến cho rằng, lạm phát nửa đầu năm nay chủ yếu do lực cầu yếu, nhưng công tác quản lý thị trường còn hạn chế, vẫn có các mặt hàng như vật liệu xây dựng tăng cao, hay thực phẩm có mức chênh lệch từ sản xuất đến tiêu dùng quá lớn, Cục trưởng Quản lý Giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Anh Tuấn cho biết, mặt bằng giá tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng cao vào đầu năm sau đó giảm trong hai tháng tiếp theo và tăng nhẹ trở lại trong tháng 5 và tháng 6. Chỉ số giá tiêu dung (CPI) bình quân sáu tháng đầu năm 2021 tăng 1,47% so cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát cơ bản bình quân sáu tháng đầu năm 2021 tăng 0,87% so cùng kỳ năm trước.

Ông Nguyễn Anh Tuấn phân tích, một số yếu tố chính gây áp lực lên mặt bằng giá là: các mặt hàng thiết yếu có biến động tăng giá do chi phí nguyên liệu đầu vào cũng như nhu cầu trong nước tăng như thức ăn chăn nuôi, phân bón, vật liệu xây dựng. Mặt hàng xăng dầu, LPG trong nước giá tăng do tác động từ thị trường thế giới. Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu. Một số mặt hàng thực phẩm tăng cục bộ vào thời điểm Tết Nguyên đán sau đó lại trở lại mức giá bình thường sau Tết do nguồn cung dồi dào. Bên cạnh đó, các yếu tố chủ yếu làm giảm áp lực lên mặt bằng giá là ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19, nhu cầu đi lại, du lịch của người dân giảm so cùng kỳ năm trước làm cho nhóm dịch vụ văn hóa, giải trí du lịch có chỉ số giá giảm mạnh. Cụ thể, giá vé tàu hỏa sáu tháng đầu năm giảm 3,41% so cùng kỳ năm trước; giá vé máy bay giảm 17,05%; giá du lịch trọn gói giảm 2,85%. Giá các dịch vụ bưu chính cơ bản giữ giá ổn định. Giá các mặt hàng thực phẩm giảm 0,39% so cùng kỳ năm trước, trong đó giá thịt lợn giảm 4,15%, giá thịt gà giảm 2,04% do nguồn cung trong nước dồi dào.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, các yếu tố tác động đến lạm phát nửa đầu năm nay có một phần do tổng cầu chưa hồi phục trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng để kiểm soát lạm phát là do sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá, cùng sự vào cuộc tích cực, chủ động của các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp quản lý, điều hành giá đã được đề ra trong kịch bản điều hành giá ngay từ đầu năm 2021.

Thực tế, trong 6 tháng đầu năm 2021, các mặt hàng do nhà nước định giá tiếp tục được giữ ổn định, chưa xem xét tăng giá nhằm tạo điều kiện cho công tác kiểm soát lạm phát ngay trong nửa đầu năm 2021; một số hàng hóa dịch vụ quan trọng thiết yếu tiếp tục được đề xuất giảm giá để hỗ trợ nền kinh tế như kéo dài quy định miễn thu hoặc giảm giá đối với một số dịch vụ chứng khoán, giảm giá tiền điện cho các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19; tăng chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu để hạn chế mức tăng giá xăng dầu trong nước trước biến động tăng của giá thế giới. Đồng thời, là các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc kịp thời của các bộ, ngành trong việc triển khai tham mưu, đề xuất các giải pháp bình ổn giá các mặt hàng có xu hướng tăng cao như thép xây dựng, phân bón... và gần đây là việc tăng giá cục bộ tại một số địa phương. Qua đó, đã giữ cho mặt bằng giá 7 tháng đầu năm ở mức hợp lý, tạo dư địa thuận lợi cho công tác kiểm soát lạm phát cả năm 2021 ở mức dưới 4% theo mục tiêu Quốc hội đặt ra.

 Cục trưởng Quản lý Giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Anh Tuấn (Ảnh: M.P)

Ổn định tâm lý người tiêu dùng, kiểm soát lạm phát kỳ vọng

Trong thời gian còn lại của năm 2021, dù tình hình cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo điều hành giá. Tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn rủi ro đối với công tác kiểm soát lạm phát đến từ tình hình thế giới do xu hướng đầu cơ, tích trữ các mặt hàng chiến lược; dịch bệnh diễn biến phức tạp có thể tác động làm giá cả một số mặt hàng biến động cục bộ tại một số thời điểm tại địa phương bị ảnh hưởng. Cục trưởng Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, các giải pháp trọng tâm cần triển khai để đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần phòng chống dịch bệnh trong những tháng cuối năm đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá chỉ đạo nhất quán từ đầu năm. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương cần làm tốt khâu tổ chức thực hiện để đạt được kết quả cao, trong đó tập trung vào những nội dung sau:

Thứ nhất, các đơn vị cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để có biện pháp điều hành phù hợp. Chủ động tháo gỡ khó khăn và có phương án điều tiết nguồn hàng để tăng lượng cung ứng cho các địa phương có dịch bệnh cần cách ly hoặc giãn cách xã hội, bảo đảm cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân; gỡ khó cho sản xuất kinh doanh, trong lưu thông để chuẩn bị các nguồn hàng dự trữ, bình ổn giá cả thị trường nhất là dịp cuối năm 2021. Tăng cường công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá cả và thực hiện chế độ báo cáo kịp thời theo quy định. Cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường giá cả, quản lý kê khai giá, niêm yết giá theo quy định pháp luật.

Thứ hai, cần tiếp tục đánh giá, cập nhật kịch bản điều hành giá cho nửa cuối năm để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá, nhất là việc tính toán, điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát và phù hợp tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay.

Thứ ba, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác rà soát, đánh giá thực hiện và sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế chính sách quản lý, điều hành giá cho phù hợp thực tế hiện nay; xác định rõ cơ quan chủ trì, cơ chế phối hợp và đẩy mạnh công khai minh bạch trong quản lý điều hành giá các mặt hàng.

Thứ tư, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, bảo đảm kịp thời, minh bạch thông tin về giá và công tác điều hành giá của Chính phủ, Ban chỉ đạo điều hành giá, nhất là diễn biến giá cả các vật tư quan trọng, các mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống người dân để ổn định tâm lý người tiêu dùng, kiểm soát lạm phát kỳ vọng./.

 
Minh Phương