Kỷ luật học sinh: Mềm mỏng hay cứng rắn?07/11/2021 - 22:14:00 Cần áp dụng phương pháp kỷ luật tích cực để giúp trẻ nhìn nhận được sai lầm của mình để sửa chữa, không tái phạmTại cuộc tọa đàm trực tuyến "Mềm mỏng hay cứng rắn - Giáo dục tích cực" vừa được Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Mạng lưới Quản trị Quyền Trẻ em tổ chức, các chuyên gia cho rằng nên áp dụng phương pháp kỷ luật tích cực trong giáo dục học sinh. Linh hoạt trong từng tình huống Một giáo viên của Trường Tiểu học Thành Công B, quận Ba Đình, Hà Nội tâm sự dường như gần đây không ít học sinh đối đáp tay đôi với giáo viên. Và không chỉ đối với giáo viên, ngay cả ở nhà, các em cũng đang "lười" hơn, cãi lại hoặc không nghe lời bố mẹ. "Có phụ huynh đã đến gặp tôi nhờ nghiêm khắc hơn với con, thậm chí là phạt nặng để đưa con mình vào nền nếp, kỷ luật. Mục đích cuối cùng là muốn con mình tốt lên. Thực tế rõ ràng là không thể chỉ dùng lời nói ngọt ngào để giáo dục học sinh được" - giáo viên này cho hay. Giáo viên cần áp dụng nhiều phương pháp tích cực trong giáo dục (Ảnh: TẤN THẠNH) Hai xu hướng giáo dục đối lập nhau hiện vẫn tồn tại trong các nhà trường, đó là mềm mỏng và cứng rắn với học sinh. Chia sẻ kinh nghiệm của mình trong việc đồng hành với học sinh, cô Phạm Thị Bích Hồng, giáo viên Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, cho hay phương pháp mình đang áp dụng là mềm mỏng, linh hoạt nhưng có nguyên tắc và kỷ luật. "Việc áp dụng mềm mỏng hay linh hoạt trong giáo dục phụ thuộc từng hoàn cảnh, tình huống, tính cách của mỗi học sinh hay tính chất của sự việc. Tôi cố gắng để học sinh cảm thấy luôn có người đồng hành và được yêu thương kể cả khi con bị kỷ luật" - cô Hồng bộc bạch. Cô giáo này cũng chia sẻ, ngay từ đầu năm học, mình và các học trò cùng thảo luận để các em thống nhất về những mục tiêu, biện pháp thưởng - phạt và sau đó cùng thực hiện theo thỏa thuận. "Nguyên tắc của tôi là "Khen công khai - Phạt cá nhân". Những lúc nói chuyện riêng với các em phạm lỗi, tôi cùng các em chia sẻ nguyên nhân vì sao các em mắc lỗi và thỏa thuận rằng với những lỗi này, cô có thể xử lý không, xử lý như thế nào và cùng trao đổi với các em để tìm ra biện pháp khắc phục" - cô Hồng nói. Kỷ luật tích cực Bà Đỗ Thị Trang - Trưởng Phòng Tham vấn học đường Trường Marie Curie, Hà Nội - nhấn mạnh việc nghiêm khắc, cứng rắn sẽ khiến trẻ nhỏ sợ và nghe lời, tuy nhiên lại không phù hợp với trẻ lớn hơn và khi đó, các em dễ làm theo kiểu đối phó. Vì thế, giáo viên cần sử dụng kinh nghiệm, kiến thức của mình để phối hợp với gia đình uốn nắn trẻ, áp dụng phương pháp kỷ luật tích cực. "Hầu hết các em mong muốn được khuyên nhủ, mềm mỏng, được lắng nghe và tôn trọng. Nếu giáo viên có suy nghĩ, tư duy tích cực sẽ tìm ra những phương pháp giáo dục phù hợp với học sinh" - bà Trang lưu ý. Nói thêm về việc thay đổi hình thức kỷ luật đối với học sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (không còn kỷ luật phê bình trước lớp, trường, cảnh cáo ghi học bạ bay buộc thôi học có thời hạn, thay vào đó, các biện pháp nhắc nhở, khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh), bà Nguyễn Hải Anh, chuyên gia về quyền trẻ em, Viện MSD, chia sẻ ngay cả trong trường học hạnh phúc thì vẫn có những lúc học sinh cư xử không đúng mực, vi phạm nội quy, quy chế của nhà trường. Khi bị xử lý kỷ luật, đương nhiên các em không thể vui vẻ nhưng vẫn cảm thấy mình hạnh phúc nếu được thầy cô tôn trọng, lắng nghe, chia sẻ và sẵn sàng hỗ trợ. Bà Trang cũng lưu ý rằng trong quá trình áp dụng các biện pháp mới này cũng cần có những cách thức linh hoạt, không cứng nhắc và thậm chí là cần tránh các rủi ro có thể đem lại. Mỗi giáo viên nên coi việc áp dụng kỷ luật tích cực là một "lối sống" tích cực, chứ không phải là việc bắt buộc phải làm. Theo Người lao động
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|