Chuyển từ nhà đất lên chung cư ở được khoảng 4 năm nay, phần lớn thực phẩm ăn uống hàng ngày của gia đình chị Hà Thị Minh Dương ở Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) đều được đặt mua ở chợ online khu chung cư chị ở.
Chị Dương chia sẻ, chị làm thu ngân cho một siêu thị điện máy ở Đống Đa. Dịp này Hà Nội giãn cách xã hội, siêu thị tạm ngừng hoạt động nên chị cũng nghỉ ở nhà cả tháng nay.
Mấy ngày đầu, gia đình chị đều ở nhà. Quanh ra quẩn vào không có việc gì làm nên chị bày ra việc nấu nướng món ăn để giết thời gian, cũng là tập cho các con làm vài việc bếp núc đơn giản. Theo đó, buổi sáng mỗi ngày khi nấu bún, phở cho cả nhà ăn, thấy vui chị đăng lên nhóm dân cư để giao lưu với mọi người, không tính nấu bán.
Tiện nấu bún, phở ăn sáng cho gia đình, chị Dương nấu hộ luôn cho 1 số gia đình nhất là có con nhỏ muốn đổi vị. (ảnh: MD) |
Thế nhưng mỗi lần đăng lên, lượng người hỏi cách nấu rồi có người còn khuyến khích chị bán để họ đặt mua bởi ai cũng thích ăn những bát bún, phở nóng hổi trong khi hàng quán đóng cửa. Vậy nên, bước sang tuần thứ hai, chị quyết định nấu nhiều hơn để gia đình ăn và giúp cho các hộ thân quen, các hộ có các cháu nhỏ muốn đổi vị cho dễ ăn.
“Tôi chỉ làm được phở bò, phở gà, miến ngan, bún cá. Các nguyên liệu này đều dễ đặt hàng, thậm chí có thể đặt mua ngay trên chợ chung cư hoặc siêu thị dưới nhà”, chị nói.
Gia đình chị ăn món gì thì chị làm món đó, ai thích thì gửi mình làm thêm. Ví như, nay ăn phở bò thì mai chuyển sang miến ngan... Cứ thế xoay vòng để đổi vị, không bị chán. Các loại bún, phở luôn có đủ rau thơm, măng ớt, chanh đầy đủ giống như ra quán ăn.
Hàng ngày, chị lên nhóm online khu chung cư thông báo các món sẽ nấu vào sáng hôm sau. Ai có nhu cầu nhờ làm thêm thì nhắn ghi gõ số bát, căn hộ, giờ nhận để chế biến cho đảm bảo nóng hổi. Đơn sẽ chốt vào 3 giờ chiều hàng ngày. Như vậy, chị sẽ kịp chuẩn bị nguyên liệu. Sáng hôm sau, khi ra món chị nhắn mọi người lần lượt xuống lấy đảm bảo không tụ tập quá 2 người. Những ai cũng tầng, nếu tiện sẽ treo đồ ăn ở cửa... Chị không đặt chuyện bán mua nên mọi người thấy tương ứng giá thành thì chuyển khoản 100% để lo tiền nguyên liệu chế biến. Tất cả đều phải đảm bảo nguyên tắc phòng dịch, không tiếp xúc, không tụ tập...
Gần 4 tuần giãn cách, chị nấu hộ, chung khoảng 1.500 bát bún phở các loại (ảnh: MD) |
Vì chỉ làm giúp ở trong khu chung cư nên lượng đơn đặt có ngày chỉ 50 bát, có ngày lên tới 70 bát. Do mọi người muốn gửi nấu ăn buổi sáng nên chị thường phải nấu nước dùng và chuẩn bị mọi thứ từ tối hôm trước. Ai hẹn giờ nào chị làm giờ đó rồi giao luôn. Bún, phở được đóng vào túi nilon, nước dùng thì để vào hộp tiện cho mọi người khi ăn.
Một số gia đình có thói quen ăn vào sáng sớm, họ yêu cầu giao từ 6h30 sáng, cũng có người yêu cầu giao 9h. Buổi sáng chị chạy giao bún phở quanh chung cư, đến tầm 10h là xong, chị chia sẻ.
“Thực ra, nếu chỉ nấu bún phở cho gia đình ăn sáng thì nhàn, nhưng nấu chung cả mấy chục suất mỗi ngày thì tương đối vất vả. Nhưng nghỉ làm thêm chút việc cũng vui, mà biết đâu sau này có duyên mở hàng thì sao”, chị Dương nói.
Chị Dương tiết lộ, sau gần 4 tuần giãn cách xã hôi, chị đã nấu tổng cộng khoảng 1.500 bát bún, phở sáng cho dân trong khu chung cư nhà mình. Mọi người đều gửi trả tiền nguyên liệu đầy đủ, lại còn có cả động viên tôi nữa nên cũng vui lắm.
Nhiều bà nội trợ cũng tranh thủ làm các món ăn để chia sẻ chung mọi người (ảnh: TM) |
Chị Đào Tuyết Mai ở một khu đô thị tại Minh Khai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay, có sáng chị đồ xôi cho cả nhà, tiện làm nhiều gần cả 100 suất cho cư dân. Bữa nào làm nem, chị cũng gói hàng trăm cái để cho nhà ăn vừa gọi thêm người cần góp chung nguyên liệu.
“Món nào cũng vậy, tiện công đặt mua về nấu nhà ăn thì tôi mua tăng thêm nguyên liệu nấu chung rồi chia cùng mọi người trong khu. Không đặt vấn đề mua bán, chỉ là đi chợ gộp, nấu chung cho tiện để tiết kiệm và mọi người đỡ ra đường”, chị nói.
Trên nhóm online của các khu chung cư ở Hà Nội, ngoài bán lương thực, thực phẩm tươi sống, thực phẩm sơ chế,... đang rầm rộ trào lưu làm chung, chia sẻ món ăn nhà làm. Đa phần mọi người ở nhà tranh thủ nhà mình ăn món gì thì nấu luôn món đó rồi cùng chia sẻ không đặt nặng vấn đề bán mua.
Nhờ đó, các online chung cư xuất hiện đủ món cho bữa sáng, bữa trưa và tối, thậm chí cả món ăn vặt. Nhiều cư dân chỉ cần ngồi nhà, vào nhóm online của chung cư giao lưu là có đủ các món ăn chính, phụ cho bữa cơm nhà mình.