Theo dữ liệu được Ngân hàng Nhà nước công bố, tính đến hết tháng 5, tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng đạt xấp xỉ 6,35 triệu tỷ đồng.
Như vậy, so với tháng 4, tiền gửi dân cư chỉ tăng hơn 14.700 tỷ đồng, con số thấp hơn nhiều so với các tháng trước đó và thấp nhất kể từ tháng 10 năm ngoái.
Cụ thể, so với tháng liền trước, tiền gửi dân cư đã tăng 177.300 tỷ đồng trong tháng 1; tăng 137.000 tỷ đồng trong tháng 2; tăng 100.800 tỷ đồng trong tháng 3 và tăng hơn 52.000 tỷ đồng trong tháng 4.
Tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng có xu hướng giảm dần |
Như vậy, tiền gửi dân cư đã có xu hướng giảm dần. Điều này diễn ra cùng với diễn biến giảm lãi suất huy động kể từ đầu năm đến nay.
Trước đó, vào cuối năm ngoái, đầu năm nay, lãi suất huy động đã tăng mạnh, có thời điểm, có ngân hàng đẩy lên mức trên dưới 12%/năm. Thời điểm 4 tháng đầu năm, dù lãi suất có xu hướng giảm, song vẫn cao hơn khá nhiều so với trước và trong dịch Covid-19. Tuy nhiên, từ tháng 5 đến nay, mặt bằng lãi suất đã trở về mức trước đại dịch.
Dù vậy, tính chung 5 tháng đầu năm, tiền gửi dân cư tại hệ thống ngân hàng vẫn tăng 8,21% so với đầu năm. Điều này trái ngược so với tiền gửi của các tổ chức kinh tế, khi tiền gửi tổ chức kinh tế giảm 3,45% so với đầu năm, xuống chỉ còn gần 5,75 triệu tỷ đồng.
Hiện các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về thanh khoản. Trong đó doanh nghiệp bất động sản bị đóng băng nguồn tiền từ trái phiếu doanh nghiệp, còn nhóm doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thì thiếu đơn hàng, thu hẹp quy mô.