Số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chủ chốt, chiếm khoảng 90% giá trị giao dịch) áp dụng cho ngày 21/2 đã tăng vọt lên mức 4,14%/năm, cao nhất trong vòng 9 tháng qua. So với phiên liền trước (20/2), lãi suất kỳ hạn này đã tăng tới gần 2 điểm phần trăm.
Tại các kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần, lãi suất cũng tăng khá mạnh. Cụ thể, tại kỳ hạn 1 tuần, lãi suất liên ngân hàng cũng tăng khá mạnh so với phiên trước, từ mức 2,24%/năm lên 3,81%/năm; kỳ hạn 2 tuần từ 1,94%/năm lên 3,02%/năm.
Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn ngắn tăng mạnh |
Như vậy, so với cuối tuần trước, lãi suất kỳ hạn qua đêm đã tăng tới gần 4 lần (từ mức 1,04%); kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần cũng tăng mạnh gấp khoảng 2,5 lần và kỳ hạn 1 tháng cũng tăng gấp rưỡi.
Các kỳ hạn từ 1 tháng trở lên, không tăng đáng kể. Và đáng nói là các ngân hàng đang phải vay mượn nhau ở kỳ hạn qua đêm với lãi suất còn cao hơn các kỳ hạn dài hơn, từ 1 tuần đến 3 tháng.
Doanh số giao dịch qua kênh liên ngân hàng vẫn được duy trì ở mức tương đối cao, quanh mức 315.000 tỷ đồng trong những phiên gần đây.
Ở một diễn biến khác, trong hai phiên 20/2 và 21/2, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục bơm ròng tổng cộng hơn 6.000 tỷ đồng qua kênh thị trường mở (OMO). Mỗi phiên có 1 thành viên trúng thầu với lãi suất 4%/năm và kỳ hạn 7 ngày.
Lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn ngắn bắt đầu tăng kể từ đầu tuần này, cùng với động thái bơm tiền của nhà điều hành qua kênh OMO cho thấy một vài ngân hàng đang khát thanh khoản tạm thời.
Điều này không xảy ra trên diện rộng, bởi thực tế đa phần các ngân hàng vẫn tiếp tục tăng trưởng tiền gửi, trong khi tín dụng tháng đầu năm 2024 đang tăng trưởng âm (giảm 0,6%) so với cuối năm ngoái.
Đồng thời, lãi suất huy động trên thị trường dân cư vẫn ở mức rất thấp, một số ngân hàng thậm chí tiếp tục giảm thêm trong những ngày giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.