Quen với việc được dậy muộn trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán cộng với thời tiết Hà Nội buổi sáng rất lạnh, nhiều học sinh Thủ đô đã phải rất nỗ lực chiến thắng cơn buồn ngủ để dậy sớm đi học đúng giờ.
Khi học sinh quen...ngủ nướng
Theo quy định, học sinh tiểu học và mầm non được nghỉ học khi nhiệt độ xuống dưới 10 độ C, học sinh trung học nghỉ học khi nhiệt độ xuống đến dưới 7 độ C. Tại Hà Nội, thời tiết đang có sự chênh lệch trong ngày rất lớn, lên đến 10 độ C khi buổi sáng chỉ 10-11 độ, trời rét, trong khi buổi trưa có nắng, nhiệt độ lên đến 20-22 độ C. Nhiệt độ buổi sáng không chỉ rất thấp mà còn kèm theo gió lạnh và buốt, cộng thêm việc được nghỉ dài ngày khiến cho việc dậy sớm để đi học trở lại đối với trẻ càng thêm khó khăn.
Đặt đến hai chiếc đồng hồ và kèm thêm tờ giấy nhớ tự động viên bản thân phải “cố lên” nhưng Vũ Hà Châu, học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An cho hay sáng nay em vẫn không thể dậy lúc 6 giờ 30 như mọi ngày mà ngủ nướng đến tận 7 giờ. “Em không nhớ mình đã tắt chuông đồng hồ lúc nào, may có bố mẹ gọi em mới không bị muộn học,” Hà Châu chia sẻ.
Với các học sinh bậc mầm non, việc dậy sớm và phải trở lại trường học lại càng là một thách thức. Có hai con nhỏ đang học lớp 3 và 5 tuổi, sáng nay (30/1), anh Nguyễn Hoài Nam (quận Hoàng Mai) phải mất đến 30 phút để dỗ dành con đi học. “Bạn 5 tuổi thì không muốn chui ra khỏi chăn ấm, còn bạn nhỏ thì khóc lóc nhất định không chịu đến lớp,” anh Nam kể.
Cũng theo anh Nam, vì phải mất thời gian dỗ dành nên ba bố con đến trường muộn dù 8 giờ bảo vệ mới đóng cổng trường để học sinh bắt đầu tập thể dục buổi sáng. “Ba bố con phải đứng ở cổng để đợi các bạn tập thể dục xong mới được vào trường. Hôm nay, số học sinh đến muộn như bố con tôi cũng tăng gấp đôi so với mọi ngày, học sinh và phụ huynh đứng kín cả cổng trường,” anh Nam cho hay.
Giúp trẻ trở lại nề nếp
Hiểu được tâm lý học sinh, một số trường học ở Thủ đô đã chủ động điều chỉnh giờ học. Tại Trường Tiểu học Chu Văn An, bắt đầu từ hôm nay, giờ bắt đầu tập trung tập thể dục buổi sáng của học sinh lùi 10 phút, thay vì từ 7 giờ 30 phút như trước đây sẽ chuyển sang 7 giờ 40 phút. Theo cô Bùi Thị Minh Hằng, Hiệu trưởng nhà trường, do sau một học kỳ, học sinh đã quen và nhanh nhẹn hơn trong việc tập trung, xếp hàng nên nhà trường đã quyết định giảm thời gian tập trung và thể dục trước giờ học từ 30 phút xuống còn 20 phút, giờ vào học chính thức vẫn giữ nguyên từ 8 giờ.
“Điều chỉnh thời gian 10 phút tuy không nhiều nhưng cũng phần nào giúp các con có thêm thời gian để ăn sáng và phụ huynh đỡ cập rập hơn, nhất là khi thời tiết buổi sáng sớm rất lạnh,” cô Hằng chia sẻ.
Tại trường Tiểu học Well Spring, theo cô Hiệu trưởng Lê Thị Thúy Ngà, do trường có xe buýt đưa đón nên những học sinh ở xa cũng không lo bị lạnh trong quá trình di chuyển đến trường. Tuy nhiên, trường cũng nhắc nhở các em mặc ấm để đảm bảo sức khỏe trong những ngày thời tiết lạnh, nhất là khi nhiệt độ buổi sáng xuống khá sâu. Cũng theo cô Ngà, hiện trường vẫn có một số học sinh chưa đi học trở lại sau kỳ nghỉ lễ.
Theo ông Phạm Văn Ngát, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì, sau nghỉ Tết Nguyên đán, tỷ lệ chuyên cần của học sinh Thanh Trì đạt trên 98%. “Thời tiết lạnh và các con đã quen với việc có thể dậy muộn hơn trong kỳ nghỉ lễ nên các nhà trường cũng linh động hơn, tạo điều kiện để các em vào lớp nếu học sinh đi học muộn đồng thời phối hợp với gia đình để đưa học sinh trở lại nề nếp,” ông Ngát cho hay.
Cũng theo lãnh đạo ngành giáo dục huyện Thanh Trì, việc bố trí lùi giờ học chính thức là rất khó vì sẽ đẩy thời gian kết thúc buổi học muộn hơn, ảnh hưởng đến giờ ăn, ngủ trưa và học buổi chiều của học sinh. “Chúng tôi cũng đã nhắc nhở các nhà trường về việc không bắt buộc học sinh phải mặc đồng phục trong những ngày trời rét, nhắc nhở học sinh mặc đủ ấm, đảm bảo sức khỏe cho các em. Với các trường hợp học sinh đi học muộn sau Tết, thầy cô cũng nhắc nhở nhẹ nhàng, không tạo áp lực tâm lý cho các em,” ông Ngát chia sẻ.
Trước đó, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương đã có công văn yêu cầu các đơn vị trực thuộc kiểm tra và sửa chữa kịp thời các phòng học, phòng bán trú, phòng ăn… đảm bảo tránh gió lùa, đủ ánh sáng và giữ ấm cho học sinh. Đối với các trường có tổ chức bán trú cần đặc biệt bảo đảm cơm, thức ăn, nước uống nóng sốt, chỗ nghỉ trưa đủ ấm. Trong những ngày rét đậm, rét hại, các trường không tổ chức các hoạt động tập trung học sinh ngoài trời và có thể điều chỉnh thời gian học sao cho học sinh không phải đến trường quá sớm. Nhà trường cũng cần phối hợp với cha mẹ học sinh nhắc nhở các em mặc đủ ấm và tạo điều kiện, linh hoạt giải quyết cho học sinh vào học nếu các em đến muộn vì lý do thời tiết.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, trong hai ngày tới, thời tiết Hà Nội trong tiếp tục có sự chênh lệch nhiệt độ lớn với sương mù và rét vào buổi sáng, ban ngày có nắng. Ngày mai, 31/1, nhiệt độ thấp nhất thậm chí xuống đến 8 độ C trong khi nhiệt độ cao nhất trong ngày lên đến 23 độ C. Từ thứ Năm đến hết tuần, nhiệt độ tăng lên, mức thấp nhất khoảng 16-17 độ C nhưng sẽ có mưa phùn và sương mù, buổi sáng trời rét./.