Ngày 11/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về: Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2022, kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023.
Trong báo cáo, Chính phủ nhấn mạnh việc kiểm soát được dịch COVID-19 là nền tảng quan trọng để mở cửa nền kinh tế, đưa đời sống người dân trở lại trạng thái bình thường mới ngay từ đầu năm. Tuy nhiên, nhiệm vụ phát triển KT-XH ngày càng nặng nề hơn. Cả năm dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu so với kế hoạch Quốc hội giao. Cụ thể, vượt 6 chỉ tiêu đề ra, nhất là tăng trưởng kinh tế ước đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra (6 - 6,5%) tạo đà quan trọng cho các năm tiếp theo thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của kế hoạch 5 năm 2021-2025. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức. Điển hình như còn 1 chỉ tiêu dự kiến không đạt là tốc độ tăng năng suất lao động xã hội, ước tăng khoảng 5,2% (mục tiêu đề ra là 5,5%). Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do giá xăng dầu, nguyên liệu, vật tư đầu vào, chi phí sản xuất cao. Chính phủ cũng nhìn nhận thị trường trái phiếu doanh nghiệp vừa qua xảy ra một số hiện tượng tiêu cực nên việc đầu tư vào mảng này của tổ chức tín dụng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng với mục đích xây dựng, kinh doanh bất động sản những năm gần đây có xu hướng tăng dần…
Giải quyết vướng mắc trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề như: Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm, nhất là Quý III cao song không nên chủ quan vì nền tăng trưởng cùng kỳ thấp; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội thấp hơn so với mục tiêu; triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH còn hạn chế; các gói hỗ trợ thực hiện còn chậm, gói hỗ trợ lãi suất qua hệ thống ngân hàng thương mại có tỷ lệ giải ngân rất thấp; tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển tiếp tục chậm; xuất khẩu có dấu hiệu chậm lại; việc triển khai quy hoạch, nhất là công tác lập các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 còn chậm. Việc xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém, các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả, thua lỗ tiếp tục được triển khai theo các Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho giai đoạn 2021-2025 nhưng kết quả chưa rõ nét, mới chỉ dừng ở phê duyệt phương án, triển khai thực hiện còn chậm, chưa đi vào thực chất. “Có ý kiến cho rằng việc tăng giá xăng dầu trong năm qua có nguyên nhân quan trọng từ thiếu hụt nguồn cung trong nước” – Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh lưu ý.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị đánh giá kỹ hơn về thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển nhanh nhưng có nhiều biến động và tiềm ẩn rủi ro. Vụ việc xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan cùng với những vụ việc khác liên quan đến thị trường trái phiếu đã xảy ra trong năm đang được xã hội, người dân rất quan tâm. Bên cạnh đó là tình trạng chuyển dịch lao động từ khu vực công sang khu vực khác; nhiều công chức, viên chức trong ngành y tế, giáo dục thôi việc hoặc bỏ việc gây lo ngại trong dư luận xã hội ngay sau thời gian dài chống dịch COVID-19.
Tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế xảy ra tại bệnh viện công ở nhiều địa phương, ảnh hưởng lớn tới công tác khám bệnh, chữa bệnh. “Tội phạm về kinh tế, tham nhũng gắn với “lợi ích nhóm” có chiều hướng gia tăng; nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trong các lĩnh vực y tế, đất đai, đấu thầu, đấu giá, chứng khoán” - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế lưu ý và dẫn chứng các vụ án xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Cục Quản lý dược – Bộ Y tế, Bộ Tư lệnh cảnh sát biển, Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao; Công ty cổ phần tiến bộ quốc tế (AIC), Công ty Việt Á, tập đoàn FLC, tập đoàn Tân Hoàng Minh… Từ phân tích trên, Ủy ban Kinh tế đề nghị chú trọng một trong những nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung là kiên định, kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Theo dõi chặt diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến lạm phát trong nước, nhất là giá xăng dầu và giá nguyên vật liệu sản xuất. Xây dựng kịch bản ứng phó với nguy cơ đình trệ và lạm phát.
“Giải quyết vướng mắc trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế nhằm chấm dứt tình trạng thiếu trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế đang diễn ra tại nhiều nơi. Coi trọng công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế để khắc phục những khiếm khuyết của các thị trường, qua đó khơi thông, tạo điều kiện cho các thị trường phát triển một cách lành mạnh và bền vững” – Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh kiến nghị.
Kiến nghị giải quyết các vấn đề cấp bách
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị báo cáo bổ sung, nhấn mạnh thêm kinh nghiệm trong việc thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa giữ vững ổn định kinh tế, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế ngay sau khi cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, phối hợp nhuần nhuyễn để đạt được cả hai mục tiêu trong điều kiện khó khăn. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, đây là một kinh nghiệm quý giá cần phân tích kỹ. Bài học chống dịch này cần được áp dụng trong điều hành kinh tế, ứng phó các tình huống khẩn cấp.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị báo cáo cần phân tích rõ nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân của những kết quả, thành tựu đạt được trong thời gian qua. Cụ thể, cần làm rõ nét nguyên nhân của những kết quả vừa qua là từ sự lãnh đạo sâu sát, sáng suốt của Đảng từ trung ương đến địa phương, sự tham gia, đồng hành của Quốc hội, UBTVQH trong công việc xây dựng thể chế, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng.
Đồng tình với báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng báo cáo đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, toàn diện, khái quát, nêu rõ những thành tựu cũng như khó khăn, tồn tại, hạn chế của tình hình KT-XH đất nước trong thời gian qua. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đề xuất giải pháp với các vấn đề: không đạt chỉ tiêu về tăng năng xuất lao động xã hội; đầu tư công tiếp tục là điểm nghẽn; tình hình kết nối doanh nghiệp trong nước với đầu tư nước ngoài; vấn đề cải thiện chất lượng các dự án FDI, thu hút công nghệ cao, công nghệ nguồn, chuyển giao công nghệ.
“Đề nghị Chính phủ có giải pháp với tình trạng lừa đảo, môi giới lao động bất hợp pháp ra nước ngoài; tình trạng giá xăng giảm mạnh nhưng giá các mặt hàng thiết yếu chưa giảm như dự kiến; công tác rà soát, kiểm tra đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy; cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, chuyển sang khu vực tư nhân; tình trạng sử dụng, mua bán chất ma túy” – Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, đồng thời đề nghị Chính phủ cần tập trung giải quyết các vấn đề nan giải, cấp thiết như giải quyết tình trạng thiếu trang thiết bị vật tư y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh; nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; nâng cao hiệu quả quản lý biển số xe; quản lý chặt chẽ, khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên; tập trung nguồn lực giải quyết hậu quả thiên tai, bão lũ, hỗ trợ các hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn… qua đó, đảm bảo đạt được những mục tiêu phát triển KT-XH đã đề ra.