Những ngày qua trên mạng xã hội xuất hiện nhiều hình ảnh, clip ghi nhận về cảnh hàng trăm người tụ tập, chen lấn xô đẩy nhau tại những điểm phát quà từ thiện, việc này có nguy cơ làm mất tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
Cụ thể, theo hình ảnh chia sẻ lại từ tài khoản NTT ghi nhận tại một điểm phát quà từ thiện trên đường An Dương Vương, phường 13, quận 6, TP.HCM, hàng trăm người tập trung trước cổng một doanh nghiệp để chờ phát quà nhưng do quá đông nên những người này đã vượt qua hàng rào bảo vệ để xông vào.
Cũng theo chủ tài khoản này thì vào ngày xảy ra sự việc, địa điểm trên diễn ra phát quà từ thiện cho những người dân khó khăn kèm theo quà mỗi người còn nhận được một phong bì 300.000 đồng.
Lực lượng chức năng tại địa phương đã phải đến hiện trường để ổn định tình hình.
Hàng trăm người tập trung trước cổng một doanh nghiệp trên đường An Dương Vương, phường 13, quận 6 rồi phá cổng lao vào bên trong để nhận quà. Ảnh cắt từ clip |
Từ vụ việc trên, trao đổi với PLO, Luật sư Trần Văn Giới (Đoàn Luật sư TP.HCM) đã chia sẻ các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động từ thiện.
Theo đó, các hoạt động vận động, tiếp nhận đóng góp để làm từ thiện hiện nay được quy định tại Nghị định 93/2021. Trong đó, tại mục 2, Chương II nghị định này quy định rất rõ về cá nhân tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối để làm từ thiện.
Cụ thể, Điều 17 Nghị định 93/2021 quy định khi vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, sự cố, cá nhân có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật), thời gian cam kết phân phối và gửi bằng văn bản đến UBND cấp xã nơi cư trú.
Ngoài ra, cá nhân phải mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện.
Đối với việc phân phối, sử dụng nguồn đóng góp từ các mạnh thường quân thì cá nhân đứng ra làm từ thiện phải có trách nhiệm thông báo với UBND nơi tiếp nhận hỗ trợ để phối hợp xác định phạm vi, đối tượng, mức, thời gian hỗ trợ và thực hiện phân phối.
Như vậy, có thể thấy Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp tự nguyện và thực hiện các chương trình từ thiện. Tuy nhiên, việc thực hiện phải trong trong khuôn khổ, có kiểm soát.
Đối chiếu trong vụ việc trên thì cá nhân, doanh nghiệp phát quà từ thiện cần phải liên hệ, phối hợp với UBND phường 13, quận 6 để phân phối những phần quà này.
Chuyện phát quà sẽ diễn ra một cách trật tự và ý nghĩa hơn nếu như trước khi thực hiện các tổ chức, cá nhân làm từ thiện liên hệ với UBND cấp xã, phường tại địa phương để lên danh sách các đối tượng được nhận, địa điểm nhận và thời gian nhận.
Cũng theo LS Giới, hoạt động từ thiện giúp người là tốt, nhưng tổ chức, cá nhân đứng ra làm từ thiện cũng cần phải tuân thủ theo quy định, nếu không sẽ đối diện với những hậu quả pháp lý không mong muốn (ví dụ bị xử phạt vì làm mất an ninh trật tự tại địa phương...).