Ngày 24/1, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi thế giới khẩn trương hành động để ngăn chặn làn sóng khủng bố đang gia tăng ở châu Phi, nhấn mạnh đây là "mối nguy hiểm rõ ràng và hiện hữu" không chỉ đối với lục địa này mà cả thế giới.
Phát biểu tại cuộc họp của đại diện các thành viên Hiệp ước Phối hợp Chống khủng bố Toàn cầu, diễn ra ở trụ sở Liên hợp quốc tại New York (Mỹ), Tổng Thư ký Guterres lưu ý đến sự gia tăng đáng báo động của các hoạt động khủng bố ở châu Phi.
Ông nêu rõ chỉ trong vài năm qua, châu Phi đã trở thành tâm điểm toàn cầu của chủ nghĩa khủng bố, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng triệu người dân, nhất là phụ nữ và trẻ em gái, những đối tượng dễ bị tổn thương trước bạo lực nói chung và bạo lực tình dục nói riêng.
Theo Tổng Thư ký, ở các nơi như Somalia, miền Đông Cộng hòa Dân chủ Congo, miền Bắc Mozambique và khu vực Sahel, người dân đang phải chịu hậu quả của xung đột khiến cuộc sống của họ như trong “địa ngục trần gian."
Trước thực tế này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi thế giới hành động khẩn cấp như hỗ trợ các nỗ lực chống khủng bố của Lực lượng Đặc nhiệm đa quốc gia ở lưu vực Hồ Chad và các sáng kiến của Liên minh châu Phi (AU).
Ông nhấn mạnh cách tiếp cận toàn diện và phát triển bền vững đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố. Ông kêu gọi châu Phi và thế giới tiếp tục sát cánh cùng nhau, đưa ra các giải pháp mới để xóa bỏ hoàn toàn chủ nghĩa khủng bố.
Hiệp ước Phối hợp Chống khủng bố Toàn cầu là khuôn khổ liên cơ quan lớn nhất của Liên hợp quốc, hoạt động trên 3 trụ cột gồm hòa bình-an ninh, phát triển bền vững và nhân quyền.
Hiệp ước được ký ngày 23/2/2018 nhằm tăng cường cách tiếp cận hành động chung của Liên hợp quốc, hỗ trợ các quốc gia thành viên trong thực hiện cân bằng Chiến lược Chống khủng bố Toàn cầu của Liên hợp quốc cũng như các nghị quyết và nhiệm vụ liên quan khác của tổ chức này.
Tính đến ngày 24/5/2023, đã có 46 thực thể tham gia hiệp ước với tư cách là thành viên hoặc quan sát viên, bao gồm 42 thực thể trong Liên hợp quốc và các thể chế gồm Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (INTERPOL), Tổ chức Hải quan Thế giới, Liên minh Nghị viện và Lực lượng Đặc nhiệm Hành động Tài chính (FATF)./.