Liên quan vụ “Tịnh thất Bồng Lai” hay Thiền am bên bờ vũ trụ, Cơ quan ANĐT tỉnh Long An đang khẩn trương lấy lời khai một số cá nhân, trong đó có ông Lê Tùng Vân (SN 1932) để làm rõ về dấu hiệu phạm tội: loạn luân, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, tổ chức, cá nhân.
Ông Lê Tùng Vân – người đứng đầu “Tịnh thất Bồng Lai” năm nay đã 90 tuổi, dư luận đặt câu hỏi, nếu cơ quan điều tra và các cơ quan tố tụng xác định ông Vân phạm 3 tội danh trên thì sẽ thi hành án thế nào?
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho biết, theo quy định tại điều 51, Bộ Luật hình sự năm 2015, trong quá trình điều tra, nếu ông Lê Tùng Vân thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả, thuộc trường hợp là "Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên" sẽ được xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự.
Nêu ý kiến về việc ông Lê Tùng Vân bị điều tra về dấu hiệu phạm 3 tội loạn luân, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, tổ chức, cá nhân, luật sư Cường cho biết, sự việc ở “Tịnh thất Bồng Lai” khiến dư luận bức xúc thời gian qua với nhiều nghi vấn. Bởi vậy, việc cơ quan điều tra vào cuộc xác minh làm rõ để xử lý đối với những người vi phạm là cần thiết và phù hợp với quy định của pháp luật.
Theo luật sư Cường, pháp luật Việt Nam ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của mọi công dân. Tuy nhiên, pháp luật cũng nghiêm cấm hành vi lợi dụng tôn giáo để trục lợi. Cụ thể theo quy định tại khoản 5, điều 5 Luật tín ngưỡng tôn giáo năm 2016 nghiêm cấm hành vi: "Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi.".
Người lợi dụng tôn giáo để trục lợi có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hành vi lợi dụng tôn giáo để trục lợi số tiền dưới 2.000.000 đồng sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP về sự phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, với mức xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Trường hợp gian dối để chiếm đoạt số tiền từ 2.000.000 đồng trở lên thì sẽ bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản tùy thuộc vào từng hành vi và hậu quả cụ thể.
Trường hợp lợi dụng tôn giáo để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của tổ chức, cá nhân thì sẽ bị xử phạt từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Trường hợp hành vi gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng quyền tự do dân dân chủ xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo quy định tại điều 331 bộ luật hình sự năm 2015.
Còn đối với hành vi mạo danh cơ sở tôn giáo tín ngưỡng để đưa ra thông tin gian dối, chiếm đoạt tài sản của người khác từ 2.000.000 đồng trở lên thì đây là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 174 bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với mức chế tài cao nhất của tội danh này có thể đợi 20 năm tù hoặc tù chung thân.
Luật sư Cường cho rằng, Cơ quan điều tra sẽ làm rõ những thông tin gian dối trong việc giả mạo cơ sở tôn giáo của nhóm người này được thực hiện như thế nào và số tiền đã nhận ủng hộ từ các tổ chức, cá nhân là bao nhiêu tiền để làm cơ sở xác định tội danh và mức hình phạt. Trường hợp có căn cứ cho thấy những người này đã đưa ra thông tin gian dối, mạo danh cơ sở tôn giáo để nhận tiền từ thiện rồi chiếm đoạt mà số tiền từ 500.000.000 đồng trở lên, người vi phạm sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
“Nhóm người “Tịnh thất Bồng Lai đã đưa ra thông tin sai sự thật về những đứa trẻ mồ côi trong khi đều đang ở cùng mẹ để kêu gọi tiền từ thiện. Đây là thủ đoạn gian dối để trục lợi từ hoạt động từ thiện, chiếm đoạt tài sản từ những nhà hảo tâm. Nếu kết quả xác minh của cơ quan điều tra cho thấy đã có hành vi gian dối, mạo danh cơ sở tôn giáo để trục lợi từ thiện, đồng thời ông Vân và một số người đã đưa ra thông tin gian dối có dấu hiệu cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 174 bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017”, luật sư Cường nói và cho rằng, việc cơ quan điều tra Công an tỉnh Long An khởi tố vụ án điều tra tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là có căn cứ.
Luật sư Cường cho biết, thời gian qua, nhiều người đã khiếu kiện, tố cáo, bóc phốt hoạt động trục lợi từ thiện của nhóm người này. Những người này đã có những hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm, uy tín của các tổ chức cá nhân, đưa những thông tin luận điệu xuyên tạc sai sự thật làm ảnh hưởng đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, của cá nhân. Bởi vậy, cơ quan điều tra cũng khởi tố những người này theo Điều 331 BLHS về tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân là có cơ sở. Với tội danh này, người phạm tội sẽ phải đối mặt với khung hình phạt có thể lên đến 7 năm tù.
Nói về việc ông Lê Tùng Vân đang bị điều tra dấu hiệu phạm tội loạn luân, luật sư Cường cho biết, trong vụ việc trên, có những nghi ngờ đồn thổi của dư luận xã hội về việc những đứa trẻ sống trong cơ sở thờ tự giả mạo này đều có cha mẹ, không phải là những đứa trẻ bị bỏ rơi, đồng thời còn có đứa trẻ là con đẻ của ông Lê Tùng Vân. Vấn đề này đến nay đã được cơ quan điều tra làm rõ, trên cơ sở đó có căn cứ xác định có hành vi quan hệ loạn luân, (quan hệ tình dục giữa cha với con, anh chị em với nhau..) nên cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án về tội loạn luân để xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại điều 184, BLHS năm 2015 về tội loạn luân nêu rõ, người nào giao cấu với người mà biết rõ người đó cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Như vậy, trường hợp những người trong nhóm của ông Lê Tùng Vân biết rõ có mối quan hệ huyết thống về cùng dòng máu về trực hệ hoặc là anh chị em ruột của nhau nhưng vẫn có hành vi quan hệ tình dục với nhau thì đây là hành vi loạn luân, trường hợp những người thực hiện hành vi quan hệ tình dục đã từ đủ 16 tuổi, người vi phạm sẽ phải đối mặt với khung hình phạt có thể lên đến 5 năm tù theo điều 184 bộ luật hình sự năm 2015 nêu trên.
Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ độ tuổi của những người có cùng dòng máu trực hệ hoặc anh chị em ruột quan hệ tình dục với nhau như thế nào, việc quan hệ tình dục có tự nguyện hay không để xác định tình tiết loạn luân là định tội danh hay chỉ là tình tiết định khung hình phạt.
Trường hợp hành vi quan hệ tình dục với người từ đủ 13 tuổi dưới 16 tuổi mà có tính chất loạn luân thì sẽ xử lý hình sự về Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi theo Điều 145 BLHS và tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là "Có tính chất loạn luân" nên hình phạt sẽ ở khung là phạt tù từ 3 năm đến 10 năm tù theo điểm a, khoản 2, điều 145 bộ luật hình sự năm 2015.
Trường hợp hành vi loạn luân được diễn ra trái ý muốn thì hình phạt có thể từ 7 năm đến 15 năm theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 144 bộ luật hình sự năm 2015 về tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi.
Trường hợp hành vi loạn luân được thực hiện với người dưới 13 tuổi hoặc dùng vũ lực, lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được để hiếp dâm người cùng dòng máu về trực hệ sẽ bị xử lý hình sự về tội hiếp dâm với tình tiết định khung là có tính chất loạn luân lên hình phạt sẽ rất nghiêm khắc, có thể đến 20 năm tù theo điều 142, BLHS năm 2015 Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi.
Trường hợp bị kết án về nhiều tội danh, tòa án sẽ tổng hợp hình phạt theo nguyên tắc nếu hình phạt cao nhất là tù chung thân thì hình phạt chung sẽ là tù chung thân. Nếu hình phạt cao nhất chỉ là tù có thời hạn thì tổng hợp hình phạt sẽ không quá 30 năm tù.