Phó Tổng Thư ký Martin Griffiths nhấn mạnh Yemen đang hứng chịu “một trong những thảm họa nhân đạo nghiêm trọng nhất thế giới”, khi 19 triệu người ở đất nước này thiếu lương thực.
Phát biểu trước Hội đồng Bảo an LHQ, ông Griffiths miêu tả Yemen đã rơi vào cái mà các quan chức nhân đạo gọi là “tình trạng khẩn cấp mãn tính”. Tỷ lệ dân số cần giúp đỡ tại quốc gia Arab nghèo nhất thế giới này đang là 75%, tương đương 23,4 triệu người.
Tối 15/3, một hội nghị cấp cao đã được tổ chức trực tuyến dưới sự chủ trì của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, Tổng thống Thụy Sĩ Ignazio Cassis và Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde. Hội nghị này được tổ chức nhằm kêu gọi nguồn tài trợ 4,3 tỷ USD để giúp đỡ trên 17 triệu người Yemen trong năm nay.
Ông Griffiths cho biết hội nghị không chỉ thảo luận về vấn đề tiền bạc mà còn là cơ hội để cộng đồng quốc tế thể hiện rằng chúng ta không bỏ rơi Yemen, sau tất cả từng đấy năm khủng hoảng tiếp nối khủng hoảng.
Nhà chức trách cũng nói thêm các cơ quan viện trợ phải đối mặt với “tình trạng thiếu kinh phí đáng báo động chưa từng có”, 2/3 các chương trình lớn của LHQ phải cắt giảm quy mô hoặc dừng hoạt động trong những tháng gần đây vì thiếu tiền.
Yemen rơi vào cảnh xáo trộn do cuộc nội chiến nổ ra từ năm 2014. Lực lượng Houthi đã giành quyền kiểm soát thủ đô và phần lớn lãnh thổ phía Bắc, buộc chính phủ phải chạy về phía nam và sang Saudi Arabia. Một liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu đã đưa quân sang Yemen can thiệp vào tháng 3/2015, dưới sự hậu thuẫn của Mỹ và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Chiến dịch rơi vào bế tắc trong nhiều năm, gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng ở Yemen.
Năm 2021, Phó Tổng Thư ký Griffiths cho biết trên 2.500 dân thường Yemen thương vong trong xung đột, gần 300.000 người phải di tản. Kể từ năm 2015, 4,3 triệu người đã mất nhà cửa.
“Chúng ta phải giải quyết các cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Yemen ngay lập tức. Nếu không, con đường dẫn tới hòa bình sẽ thu hẹp lại”, Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield phát biểu trước HĐBA.
Hans Grundberg, đặc phái viên của LHQ về Yemen, cho hay kể từ năm 2015, các nước viện trợ đã chi gần 14 tỷ USD trước lời kêu gọi của LHQ nhằm giảm bớt tình cảnh đói nghèo của người dân Yemen. Hơn 75% số tiền đó đóng góp từ sáu quốc gia bao gồm Mỹ, Saudi Arabia, UAE, Anh, Đức và Ủy ban châu Âu.
Theo ông Grundberg, giao tranh tiếp diễn đã khiến cuộc khủng hoảng kinh tế của Yemen trở nên tồi tệ hơn. Ông chỉ ra giá trị của đồng riyal Yemen so với đồng USD đã giảm 20% kể từ tháng 1/2022.
Về phần mình, Grundberg chia sẻ sẽ tiếp tục gặp gỡ các nhà lãnh đạo của các đảng phái chính trị tại Yemen, các chuyên gia để xác định ưu tiên ngắn hạn và dài hạn cho một quá trình đa chiều, từ đó mở ra các cuộc đàm phán tìm dấu chấm hết cho chiến tranh.