Liên tục rớt mạng, phụ huynh lo lắng về hiệu quả học online08/09/2021 - 09:07:00 Chất lượng và hiệu quả của việc học trực tuyến sau 3 ngày học sinh bước vào năm học mới đặt ra nhiều băn khoăn cho phụ huynh bởi thời gian học trực tuyến không chỉ ngày một, ngày hai nếu như dịch bệnh còn kéo dài.
Học trực tuyến là một xu thế tất yếu trong điều kiện dịch bệnh. Tuy nhiên, theo phản ánh của phụ huynh, những buổi học đầu tiên diễn ra không được như ý do tình trạng nghẽn mạng liên tục xảy ra. Nhiều học sinh bị thoát ra khỏi lớp 5-6 lần chỉ trong một buổi học, thậm chí có em không thể đăng nhập được vào lớp. Chất lượng học online có bảo đảm? Háo hức được gặp cô và các bạn nên 3 ngày nay, ngày nào con gái của chị Nguyễn Hoài Phương (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng thức dậy rất sớm, ngồi ngay ngắn trên bàn học chờ được vào phòng học Zoom. Ngày học đầu tiên, con gái chị Phương khi thì không nghe được giọng cô, khi thì màn hình cứ tối om. Tưởng rằng, tình trạng này chỉ diễn ra trong ngày đầu nhưng đến thời điểm này việc nghẽn đường truyền vẫn chưa được cải thiện. Chị Phương kể lại: “Có lần mạng bị rớt đúng lúc cô gọi con tôi trả lời câu hỏi. Tôi nhanh chóng vào lại lớp thì cô giáo đã chuyển sang gọi bạn khác. Con bé lúc đấy căng thẳng, mếu máo vì sợ”. Nhà anh Trịnh Xuân Bách (quận Tây Hồ, Hà Nội) sử dụng gói cước dịch vụ của VTVCab với giá 290.000 đồng/tháng. Để tránh lỗi kết nối khi con học online, anh Bách đã gọi điện tới tổng đài yêu cầu nhân viên kỹ thuật đến kiểm tra đường truyền trước khi năm học mới bắt đầu vài ngày. Dù đường truyền mạng của nhà anh Bách khá ổn định nhưng khi con anh học online cũng không tránh khỏi tình trạng rớt mạng. Các bạn trong lớp của con cũng rơi vào cảnh tương tự. “Cô ơi, con không nghe thấy giọng cô”, “Cô hỏi lại đi ạ, lúc nãy con bị out ra khỏi lớp”, những câu hỏi như thế liên tục vang lên trong phòng học Zoom khi học sinh được cô giáo gọi tên. Để học sinh bớt lo lắng, cô giáo động viên các con rồi đọc lại bài, đặt lại câu hỏi. Cứ thế giờ học kéo dài tới gần gấp đôi. Anh Bách cho biết: “Theo lịch thời khóa biểu của con, buổi học kết thúc vào 10h30 nhưng ngày nào cũng hơn 11h mới kết thúc do trục trặc đường truyền. Nếu vẫn cứ kéo dài tình trạng này thì cả cô và trò đều vất vả. Không những thế còn ảnh hưởng tới chất lượng học tập, tiếp thu kiến thức của học sinh”. Ghi nhận cho thấy, để khắc phục tình trạng này, nhiều giáo viên đã sắp xếp, chuyển thời gian dạy đối với những tiết học chưa hoàn thành vào buổi chiều hoặc chia nhỏ lớp học thành 2 nhóm tránh dồn thời gian học cùng lúc. Trước một số vướng mắc trong quá trình tổ chức dạy học trực tuyến, theo ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội, Sở đã giao quyền chủ động cho các phòng GDĐT, các nhà trường căn cứ tình hình thực tế và khả năng đáp ứng của học sinh để xây dựng thời khóa biểu, xác định thời gian học phù hợp, hiệu quả, tránh gây quá tải. Trong đó đặc biệt quan tâm tới học sinh lớp 1, lớp 2; tiếp tục rà soát để kịp thời có phương án hỗ trợ học sinh còn thiếu thiết bị học trực tuyến, không để học sinh bị gián đoạn việc học do hoàn cảnh khó khăn. Không riêng Hà Nội, một số địa phương như TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Long cũng đang gặp vướng mắc lớn trong quá trình tổ chức dạy học trực tuyến những ngày đầu năm học mới là đường truyền internet. Sẽ tiếp tục tinh giản nội dung dạy học Trước những ý kiến băn khoăn về chất lượng và hiệu quả của việc học trực tuyến, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) thông tin, thực hiện kế hoạch năm học trong bối cảnh dịch bệnh, Bộ trưởng GDĐT đã chỉ đạo các cấp học rà roát điều chỉnh nội dung dạy học, bảo đảm chương trình nhưng tinh giản nội dung. Trước đó, Bộ GDĐT đã có công văn 3280/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học cấp THCS, THPT trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Nguyên tắc là tinh giản các nội dung vượt quá yêu cầu cần đạt về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình hiện hành, tích hợp một số nội dung thành các chủ đề, điều chỉnh các nội dung trùng lặp giữa các môn học và hoạt động giáo dục. Không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung được hướng dẫn là không dạy, đọc thêm, không làm, không thực hiện, không yêu cầu…. Ông Thành cho hay, năm học này, Bộ GDĐT sẽ tiếp tục điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng thiết thực, phù hợp với bối cảnh dịch bệnh. Song song với việc này, dạy học trực tuyến làm sao để đảm bảo chất lượng, không quá tải cũng là một yêu cầu. Bộ GDĐT đã có văn bản về dạy học trực tuyến và trên truyền hình. Tới đây, Bộ tiếp tục tập huấn giáo viên về kỹ năng dạy học trực tuyến trên tinh thần khắc phục những hạn chế hiện nay. Tinh thần là các nhà trường tổ chức dạy trực tuyến theo cách tăng cường, giao nhiệm vụ học tập cho học sinh nhiều hơn. Theo ông Thành, trong tuần này hoặc tuần tới, Bộ GDĐT sẽ gửi tài liệu biên soạn đến các thầy cô để lan tỏa, tổ chức các giờ học trực tuyến nhẹ nhàng nhưng hiệu quả. Như vậy, thay vì ngồi trước màn hình thì học sinh có thể tự chủ hơn trong giờ học. Trong trường hợp không có internet, thầy cô có thể phát các tài tiệu đã phát trên truyền hình hoặc copy vào USB, VCD, giúp học sinh tiếp cận các học liệu này. “Chúng tôi kêu gọi các bậc phụ huynh tạo điều kiện quan tâm, hỗ trợ học sinh để các em đảm bảo được yêu cầu học tập trong bối cảnh hết sức khó khăn này”, ông Thành nói. Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|