Đó là thông tin cập nhật từ sở y tế và trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố đến tối 20-10, được công bố trong thống kê chung của Bộ Y tế. Hiện nhiều địa phương cũng đang rà soát, đánh giá phân loại vùng chi tiết đến từng phường, xã.

Không tự ý nâng mức độ dịch

TP Hà Nội hiện có 343 xã, phường vùng 1 (vùng xanh), 236 xã, phường vùng 2 (vùng vàng); không có xã, phường nào vùng 3 (vùng cam) và vùng 4 (vùng đỏ). Dù Sở Y tế đã phân vùng cấp độ dịch theo từng xã, phường nhưng người dân vẫn còn băn khoăn.

Bà Nguyễn Thị Hà (50 tuổi; trú phường Nam Đồng, quận Đống Đa) cho rằng cả tháng nay, trên địa bàn không ghi nhận ca mắc Covid-19 nào tại cộng đồng nhưng được phân là "vùng vàng". Việc này gây khó khăn cho người dân khi có nhu cầu di chuyển đến các tỉnh, thành phố khác bởi những yêu cầu khác nhau về xét nghiệm, cách ly hoặc theo dõi y tế.

Linh hoạt phân vùng xanh, vàng, cam, đỏ - Ảnh 1.

Chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận Ảnh: NHƯ THỪA

Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội, TP đã công bố phân vùng đánh giá nguy cơ dịch Covid-19 theo Nghị quyết 128 của Chính phủ và hướng dẫn tại Quyết định 4800 của Bộ Y tế. Việc nâng cấp độ dịch từ "xanh" lên "vàng" đối với các xã, phường là do chưa đạt tiêu chí tối thiểu 80% người trên 65 tuổi đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin trong tháng 10-2021.

"Sở Y tế TP Hà Nội sẽ công bố cấp độ dịch ở TP từng tuần theo quy định, các tiêu chí để phân cấp độ dịch phải tuân thủ theo Nghị quyết 128 của Chính phủ và hướng dẫn tại Quyết định 4800 của Bộ Y tế. Hà Nội đánh giá đúng mức độ dịch theo từng phường, xã và không nâng mức độ dịch. Địa phương nào nâng mức độ dịch hoặc tự động nâng mức độ phòng chống dịch thì phải báo cáo Chính phủ" - bà Hà nói.

Trong khi đó, UBND TP HCM vừa có công văn khẩn đề nghị chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện căn cứ hướng dẫn của Sở Y tế về đánh giá cấp độ dịch để khẩn trương thực hiện đánh giá và báo cáo kết quả về Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM, hoàn thành trong ngày 21-10.

UBND TP HCM cũng giao Sở Y tế đánh giá, xác định cấp độ dịch của thành phố để làm căn cứ, từ đó đề ra các biện pháp kiểm soát dịch, bảo đảm tính "thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". Sở Y tế phối hợp với các sở, ngành căn cứ Nghị quyết 128 của Chính phủ, Chỉ thị 18 của Chủ tịch UBND TP HCM để tham mưu xây dựng kế hoạch của TP HCM về triển khai, thực hiện Nghị quyết 128, trình UBND TP HCM thông qua trong ngày 22-10.

Điều chỉnh theo thực tế

Bộ Y tế cho biết theo hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế của Bộ Y tế thực hiện Nghị quyết 128 quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", có 3 tiêu chí đánh giá cấp độ dịch Covid-19: các ca mắc mới tại cộng đồng/số dân/thời gian; độ bao phủ vắc-xin Covid-19 và bảo đảm khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám chữa bệnh các tuyến.

Ngoài tiêu chí về số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 người/tuần được phân theo 4 mức độ từ thấp đến cao tại Quyết định số 4800/QĐ-BYT (mức 1: 0 - < 20; mức 2: 20 - <50; mức 3: 50 - <150; mức 4: ≥150) thì các địa phương cũng phải căn cứ vào tỉ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin Covid-19.

"Hướng dẫn của Bộ Y tế nêu rõ trong tháng 10-2021, yêu cầu tối thiểu 80% người từ 65 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vắc-xin Covid-19. Từ tháng 11-2021, yêu cầu tối thiểu 80% người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vắc-xin Covid-19. Trường hợp không đạt được tiêu chí 3 thì không được giảm cấp độ dịch. Đồng thời, phải tăng lên 1 cấp độ dịch nếu không đạt được yêu cầu về tỉ lệ tiêm vắc-xin của người cao tuổi (trừ khi địa bàn đang có dịch ở cấp độ 4 hoặc không có ca mắc)" - đại diện Bộ Y tế nói.

PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, lưu ý các địa phương cần tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế về phân vùng cấp độ dịch, xét nghiệm cũng như thực hiện cách ly y tế, tăng cường giám sát với người đến từ vùng dịch.

Tại phiên họp Quốc hội ngày 20-10, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, đề cập tình trạng thiếu đồng bộ, nhất quán trong triển khai các biện pháp phòng chống dịch, vẫn có tình trạng văn bản hướng dẫn tại một vài địa phương phải đính chính, thu hồi, sửa đổi, bổ sung nhiều lần. Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương rà soát, đánh giá việc ban hành và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo trong phòng chống dịch tại địa phương để điều chỉnh cho phù hợp. Đồng thời, khẩn trương ban hành chiến lược tổng thể về phòng chống dịch, phục hồi kinh tế để thích ứng an toàn với mọi diễn biến của dịch. 

Bộ Y tế cho biết ngày 20-10, nước ta ghi nhận 3.646 ca mắc Covid-19 (1.810 ca trong cộng đồng), thêm 1.737 bệnh nhân khỏi bệnh.

Tại TP Đà Nẵng: Áp dụng các biện pháp thích ứng an toàn theo "vùng vàng" do chưa đạt được tiêu chí về vắc-xin cho người trên 65 tuổi. Nếu địa phương nào chưa công bố cấp độ dịch, Đà Nẵng sẽ thực hiện quy định như người về từ địa phương cấp độ 4.

Ninh Thuận: Các chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 sẽ dừng hoạt động từ 0 giờ ngày 21-10.

Bạc Liêu: Ổ dịch xảy ra tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thủy sản Tấn Khởi ở thị xã Giá Rai đã có 50 ca F0 trong cộng đồng. Ngày 20-10, chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu ra quyết định điều chỉnh 5 xã, phường từ "vùng xanh" thành "vùng đỏ" và 59 xã, phường từ "vùng xanh" chuyển sang "vùng vàng".

Sóc Trăng ghi nhận thêm 148 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng hôm 20-10.