Hiện xe đưa đón học sinh có hai loại hình phổ biến, một là xe nhà trường tự đầu tư, hai là xe nhà trường ký hợp đồng với đơn vị kinh doanh vận tải.
Ông Nguyễn Văn Long, giám đốc một đơn vị xe hợp đồng, cho biết các xe đưa đón học sinh ở Việt Nam thường do doanh nghiệp đầu tư, không được nhà nước trợ giá. Ở các thành phố, xe chất lượng tốt, ở nông thôn doanh nghiệp thường sử dụng xe cũ, gần hết niên hạn để giảm chi phí. Trong khi đó ở nhiều nước, xe đưa đón học sinh thường do chính quyền đầu tư, hoặc trợ giá cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp đầu tư xe khách mới giá khoảng 3 tỷ đồng, chi phí sửa chữa, vận hành, khấu hao, trả lương tài xế mỗi năm tầm 800-900 triệu đồng. Chủ xe thường nhận chở khách ngoài thời gian đưa đón học sinh để thêm doanh thu nên mức cước với mỗi học sinh 1,5-2 triệu đồng trong một tháng, ông Long cho biết.
Nếu doanh nghiệp đầu tư phương tiện mới theo quy chuẩn để chuyên đưa đón học sinh thì chi phí sẽ cao. Xe này không đón khách khác nữa nên mức cước đối với mỗi học sinh có thể lên 4-5 triệu đồng mỗi tháng. Việc này khó khả thi vì tạo thêm gánh nặng cho phụ huynh.
"Dù có quy chuẩn mới, xe đưa đón học sinh tại Việt Nam sẽ phần lớn là xe kết hợp kinh doanh vận tải chứ không phải là xe chuyên dụng", ông Long dự đoán.
Học sinh trường tiểu học Long Bình Tân (TP Biên Hòa, Đồng Nai) đi xe đưa đón. Ảnh: Phước Tuấn
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cũng cho rằng các quy định về xe đưa đón học sinh đã được nhiều nước áp dụng để đảm bảo an toàn cho học sinh. Việt Nam cũng cần siết chặt yêu cầu kỹ thuật với loại hình này, không thể để buông lỏng quản lý như hiện nay.
Tuy nhiên, ông Quyền cho rằng áp dụng quy chuẩn mới sẽ làm tăng chi phí đầu tư đối với doanh nghiệp vì xe chuyên dùng đưa đón học sinh có chi phí cao. Còn xe kinh doanh vận tải kết hợp đưa đón học sinh nếu áp dụng quy chuẩn cũng làm tăng chi phí.
Ông ví dụ mỗi xe kinh doanh vận tải phải sơn lại màu vàng mất thêm 50-60 triệu đồng. Thay vào đó, xe này chỉ cần lắp biển hiệu xe chở học sinh là đủ để phương tiện khác nhận diện trên đường. Phương tiện đưa đón học sinh chỉ được chạy dưới 80 km/h sẽ khiến doanh nghiệp phải thay đổi loại động cơ, làm tăng chi phí.
TS. Phan Lê Bình, Phó trưởng đại diện văn phòng tư vấn OCG Nhật Bản, đánh giá quy định xe chở học sinh sơn màu vàng để được ưu tiên rất khó khả thi. Bởi ý thức giao thông của nhiều người còn hạn chế, không nhường đường cho cả xe cấp cứu, xe cứu hỏa thì xe chở học sinh cũng sẽ không được ưu tiên.
Ngoài ra, xe chở học sinh trong nội thành thường có tốc độ thấp (30-40 km/h) nên việc gắn thiết bị hạn chế tốc độ dưới 80 km/h là không cần thiết. Trong khi các xe kinh doanh vận tải theo hợp đồng vẫn tham gia chở khách khác ngoài đô thị thì việc giới hạn tốc độ xe sẽ gây khó cho lái xe và doanh nghiệp.
Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam - cơ quan soạn thảo quy chuẩn xe đưa đón, cho biết quy chuẩn đang được Bộ Giao thông Vận tải soạn thảo sẽ áp dụng với các xe chuyên dụng, xe nhập khẩu mới đưa đón học sinh, chưa áp dụng với xe kết hợp kinh doanh vận tải khác.
Theo dự thảo Luật trật tự an toàn giao thông, ôtô kinh doanh vận tải kết hợp với hoạt động đưa đón học sinh, trẻ em mầm non phải đáp ứng các yêu cầu như: Lắp thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh của tài xế; xe chở học sinh tiểu học, trẻ em mầm non phải có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi. Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ nghiên cứu yêu cầu xe kinh doanh vận tải kết hợp chở học sinh cần lắp đặt thêm một số thiết bị nhằm đảm bảo an toàn, phòng tránh bỏ quên.
Để tránh bỏ quên học sinh trên xe chở khách theo hợp đồng hiện nay, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho rằng xe đưa đón học sinh hiện nay đã có camera giám sát hành khách trên xe, chỉ cần thêm tính năng kết nối với gia đình, nhà trường, lớp học để nhiều người cùng giám sát. Ngoài ra, xe hợp đồng cần lắp thiết bị còi khẩn cấp ở cuối xe, khi tài xế tắt máy cần đi xuống cuối xe để bấm thiết bị, đồng thời kiểm tra học sinh trên xe.
TS. Phan Lê Bình nhận định giải pháp đối với phương tiện chỉ là một trong nhiều biện pháp phòng ngừa, con người vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Nhà trường cần thường xuyên tập huấn cho lái xe, giáo viên, người phụ trách đưa đón học sinh để nâng cao ý thức, tuân thủ quy trình đưa đón đảm bảo an toàn.