Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội chiều 5/6 (ảnh: VPQH cung cấp). |
“Du lịch đêm” là vấn đề “mới và khó”
Phát biểu chất vấn, đại biểu Vũ Thị Liên Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, “du lịch đêm” là hướng đi đúng đắn. Tuy nhiên, theo đại biểu, hiện nay loại hình này vẫn còn đơn điệu, chưa đặc sắc nên không thu hút được đông đảo du khách, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội. Bà Hương đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết quan điểm và giải pháp về vấn đề này.
Đại biểu Vũ Thị Liên Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi phát biểu chất vấn (ảnh: VPQH cung cấp). |
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, thực hiện Quyết định 1129 của Thủ tướng về phê duyệt đề án “kinh tế đêm”, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã chọn 12 tỉnh, thành phố phát triển một số sản phẩm “du lịch đêm”. Các địa phương này phát triển kinh tế, sản phẩm “du lịch đêm” theo mô hình phát triển các khu phố đi bộ, chợ đêm, tổ hợp giải trí...
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đánh giá, hiện nay, một số sản phẩm “du lịch đêm” đã được các địa phương xây dựng với mục tiêu đưa “công nghiệp xanh” trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Có thể kể đến các “Tour đêm Văn Miếu – Quốc Tử Giám – tinh hoa đạo học”; “Đêm Hà Nội - điểm chạm của những xúc cảm”; “Đêm cố đô Hoa Lư - Ninh Bình; “Quận 1 - Sắc màu đêm”...
Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn (ảnh: VPQH cung cấp). |
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, đây vẫn là vấn đề “mới và khó” bởi du lịch là sản phẩm kinh tế tổng hợp, liên quan đến nhiều cấp, ngành. Bộ trưởng nhấn mạnh, muốn giải bài toán phát triển kinh tế, “du lịch đêm”, các địa phương trước hết cần giải quyết khâu quy hoạch, xác định điểm phát triển và đặc biệt quan tâm nghiên cứu phát triển thị trường.
“Muốn làm được thì phải dựa trên các yếu tố về quy hoạch. Tôi biết nhiều chuyên gia kinh tế đã về các địa phương để làm nhưng cũng đang khó và đang nỗ lực, chứ không đơn giản để ngày một ngày hai” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.
Về việc nghiên cứu thị trường, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng lưu ý, sản phẩm du lịch đêm còn phụ thuộc vào thị hiếu, tập quán, thói quen, nhu cầu của nhiều loại khách nên phải phân tầng, phân nhóm, phân hạng. Bộ trưởng cho biết, sau khi tìm hiểu một số sản phẩm “du lịch đêm” của một số nước, họ chọn theo phân khúc thị trường để triển khai và cũng chỉ làm ở những điểm trọng yếu.
Các đại biểu tham dự phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp). |
“Một trong những nguyên lý của thị trường là bán cái mà người ta cần chứ không phải bán cái chúng ta có. Muốn làm nhưng làm ra không ai dùng thì cũng rất khó – Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng lưu ý, cần bảo đảm chính sách, chế độ cho những người tham gia như diễn viên, lực lượng an ninh… Đây được coi là những giải pháp căn cơ để tránh tình trạng “không làm thì thiếu, làm xong lại bỏ” gây lãng phí.
Các sản phẩm du lịch Việt Nam vẫn đang trong quá trình hình thành
Giải đáp chất vấn của đại biểu Châu Quỳnh Giao – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang về thực trạng một số công trình, sản phẩm du lịch có hiện tượng sao chép đặc trưng văn hóa nước ngoài, Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết, theo Nghị quyết 82, Chỉ thị 08 của Thủ tướng, sản phẩm du lịch phải độc đáo, giá cạnh tranh và có tính liên kết để phát triển. Thực hiện định hướng chính sách này, ngành du lịch vừa qua đã phát triển tích cực với sản phẩm đa dạng hơn.
Các đại biểu tham dự phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp). |
Cho rằng các sản phẩm du lịch Việt Nam vẫn đang trong quá trình hình thành, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng không nên quá khắt khe vì đó là những sản phẩm giao lưu văn hóa chứ không phải bắt chước.
“Chúng ta nên tiếp thu những gì tiến bộ của các nước để làm giàu thêm cho văn hóa Việt Nam” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.
Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cũng cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2024, ngành du lịch Việt Nam đã đón 7,6 triệu lượt khách quốc tế, hơn 50 triệu lượt khách nội địa…