Lũ trên sông Thái Bình, Kinh Thầy xuống chậm nhưng vẫn ở mức cao, tuyệt đối không lơ là chủ quan13/09/2024 - 10:12:00 Mặc dù lũ trên các sông trong tỉnh đã giảm chậm nhưng vẫn ở mức cao. Các tuyến đê đã bị ngâm nước nhiều ngày nay dẫn đến hiện tượng đất bị bão hòa nước, có nguy cơ gây sạt trượt, rò rỉ đe dọa đến an toàn công trình đê điều.
Theo Đài Khí tượng thủy văn Hải Dương, trong 12 giờ qua mực nước sông Thái Bình, sông Kinh Thầy xuống chậm, sông Luộc tại La Tiến biến đổi chậm. Các sông khu vực hạ lưu đang lên theo ảnh hưởng của thủy triều. Lúc 9h ngày 13/9, mực nước trên sông Thái Bình tại Phả Lại là 5,99m (dưới BĐ3: 0,01m), Cát Khê là 5,41m (trên BĐ3: 0,41m); sông Kinh Thầy tại Bến Bình là 4,69m (trên BĐ3: 0,19m); sông Gùa tại Bá Nha là 2,83 m (trên BĐ3: 0,13m); sông Kinh Môn tại An Phụ là 3,31m (trên BĐ3: 0,41m); sông Rạng tại Quảng Đạt là 3,04m (trên BĐ3: 0,14m). sông Luộc tại La Tiến là 4,35 m (dưới BĐ2: 0,35m).
Dự báo nước trên sông Thái Bình tại Phả Lại, Cát Khê, sông Kinh Thầy tại Bến Bình tiếp tục xuống chậm. Trên sông Kinh Môn tại An Phụ, sông Gùa tại Bá Nha, sông Rạng tại Quảng Đạt tiếp tục lên theo ảnh hưởng của thủy triều. Trên sông Luộc tại La Tiến tiếp tục biến đổi chậm sau xuống. Mặc dù lũ trên các sông trong tỉnh đã giảm chậm nhưng vẫn ở mức cao. Các tuyến đê đã bị ngâm nước nhiều ngày nay dẫn đến hiện tượng đất bị bão hòa nước, có nguy cơ gây sạt trượt, rò rỉ đe dọa đến an toàn công trình đê điều. Nhiều ngày nay các lực lượng đã căng mình ứng phó chống lũ, gây mệt mỏi nên có thể lơ là chủ quan. Để tiếp tục bảo vệ an toàn ở mức cao nhất hệ thống đê điều, các địa phương, đơn vị cần tiếp tục khẩn trương, nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của tỉnh tại các công điện, thông báo kết luận đã ban hành; chủ động theo dõi sát thông tin dự báo, cảnh báo tình hình mưa lũ, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. Tăng cường kiểm tra hệ thống đê điều, bố trí thêm lực lượng để tuần tra, canh gác bảo vệ đê toàn tuyến 24/24 giờ, kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố ngay từ giờ đầu, không để bị động, bất ngờ; từng vị trí đê, từng sự cố đêu phải có người kiểm tra, chịu trách nhiệm. Tại các địa điểm đê xung yếu đã, đang xử lý và mới phát hiện phải thực hiện phân ca trực cụ thể cho từng người đối với từng điểm sự cố để theo dõi diễn biến, thông tin báo cáo tình hình kịp thời; Chuẩn bị đầy đủ vật tư, thiết bị, phương tiện, lực lượng để sẵn sàng ứng phó, xử lý ngay các tình huống sự cố đê điều. Tiếp tục rà soát, kiểm tra, triển khai trên thực tế phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu theo phương châm “bốn tại chỗ"; kể cả phương án hộ đê toàn tuyến. Biên tập
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|