Luật Đất đai (sửa đổi) phải khả thi, vận hành thông suốt05/03/2023 - 08:04:00 Sáng 4-3, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng đồng chủ trì tọa đàm góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh đến 4 vấn đề mang tính nguyên tắc trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm: Bám sát, thể chế hóa đầy đủ chủ trương, định hướng, chính sách trong văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng; các nghị quyết, kết luận của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội. Đặc biệt là 3 mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể, 6 nhóm giải pháp và 8 chính sách lớn tại Nghị quyết số 18-NQ/TW về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao". Đồng thời, phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của hệ thống pháp luật, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội... Nhấn mạnh tính khả thi của Luật Đất đai (sửa đổi) để khi Quốc hội thông qua thì vận hành được thông suốt trong thực tiễn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học, đại biểu tập trung góp ý kiến đối với dự thảo luật như: Nhóm vấn đề về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các chủ thể trong quan hệ pháp luật về đất đai, nhất là việc minh định giữa đại diện chủ sở hữu về đất đai với quản lý nhà nước về đất đai; giữa quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của từng chủ thể; cơ chế kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực đất đai để góp phần ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong lĩnh vực đất đai... Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại tọa đàm góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)Ảnh: V.Duẩn Đề cập về cơ chế xác định giá quyền sử dụng đất theo nguyên tắc thị trường, PGS-TS Vũ Văn Phúc, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, nhấn mạnh: Trách nhiệm của nhà nước là tìm cách sử dụng quỹ đất của quốc gia có hiệu quả cao nhất, đồng thời chia lợi ích từ việc sử dụng đất đó cho công dân và các nhà đầu tư vừa theo nguyên tắc thị trường, vừa theo nguyên tắc công bằng giữa các công dân, giữa người đang có quyền sử dụng đất bị nhà nước thu hồi và nhà đầu tư nhận đất, giữa người sử dụng đất và cơ quan nhà nước... "Các giao dịch giữa cơ quan nhà nước và người sử dụng đất cần dựa trên giá cụ thể được cơ quan tư vấn độc lập xác định bằng các phương pháp khoa học đi đôi với thỏa thuận giữa cơ quan nhà nước và người sử dụng đất thông qua việc cung cấp thông tin minh bạch và đối xử công bằng về lợi ích với các bên liên quan" - ông Vũ Văn Phúc nói. Cùng ngày, Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM tổ chức tọa đàm lấy ý kiến cán bộ, công chức, viên chức ngành tài nguyên - môi trường thành phố đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tại đây, bà Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất TP HCM, phân tích theo dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thì Trung tâm Phát triển quỹ đất sẽ là một doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trực thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Tuy nhiên, nguồn kinh phí hoạt động được lấy từ kinh phí phát triển quỹ đất. Nếu như vậy rất khó để có kinh phí kịp thời cho trung tâm hoạt động, do đó vấn đề này cần phải xem lại. Theo Người lao động
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|