Luật hóa trách nhiệm bảo dưỡng định kỳ xe: Nói dễ, làm không dễ24/07/2023 - 16:25:00 Việc luật hóa trách nhiệm bảo dưỡng định kỳ xe của chủ phương tiện sẽ mang lại lợi ích kép, song để hiện thực hóa quy định này là điều không hề đơn giản.Lợi ích kép Cụ thể, trong dự thảo Luật Đường bộ, Bộ GTVT đề xuất bổ sung quy định chủ phương tiện, người lái xe chịu trách nhiệm bảo dưỡng kỹ thuật định kỳ, duy trì tình trạng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng giữa 2 kỳ kiểm định. Theo lý giải của đơn vị soạn thảo dự luật, việc luật hóa những khuyến cáo trên sẽ giúp chủ phương tiện, người lái xe có trách nhiệm chủ động trong việc bảo dưỡng phương tiện, từ đó, nâng cao chất lượng xe, góp phần bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông. Trên thực tế, việc quy định trách nhiệm bảo dưỡng định kỳ xe của chủ phương tiện không phải đến dự thảo Luật Đường bộ mới có mà đã được đề cập đến với nội dung tương tự trong Thông tư 08/2023/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2021/TT-BGTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chính thức có hiệu lực từ ngày 3/6/2023. Theo đó, Thông tư 16 quy định, chủ phương tiện, người lái xe ô tô có trách nhiệm phải bảo dưỡng, sửa chữa để đảm bảo duy trì tình trạng kỹ thuật của phương tiện, chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với hành vi đưa phương tiện không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tham gia giao thông đường bộ. Nhiều ý kiến cho rằng, việc Bộ GTVT đưa ra đề xuất luật hóa trách nhiệm bảo dưỡng định kỳ xe của chủ phương tiện bắt nguồn từ chính những khuyến cáo mà ngành đăng kiểm đưa ra trong thời điểm lĩnh vực này đang trải qua giai đoạn khó khăn và căng thẳng nhất. Cụ thể vào thời điểm cuối năm 2022, đầu năm 2023, khi tình trạng quá tải tại các trung tâm đăng kiểm đang ở đỉnh điểm, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã phát đi khuyến cáo chủ phương tiện, lái xe chủ động bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện trước khi đưa xe đi kiểm định; không được tự ý cải tạo, “độ” xe để tránh tình trạng không đạt, phải quay đầu đi sửa chữa, gây mất thời gian, tốn kém chi phí. Khuyến cáo này nhằm nhắc nhở lái xe đảm bảo cho phương tiện của mình ở tình trạng tốt nhất trước khi mang đi kiểm định. Điều này sẽ đảm bảo tỉ lệ phương tiện trượt đăng kiểm ở mức thấp nhất. Và, quả thật cách làm trên đã mang đến hiệu quả không ngờ khi tình trạng xe không đạt kiểm định giảm dần. Đến thời điểm này, tỉ lệ xe không đạt kiểm định lần đầu chỉ còn từ 15 - 17%. Khó hậu kiểm Từ thực tế trên, giới chuyên môn nhìn nhận, việc luật hóa trách nhiệm bảo dưỡng định kỳ xe của chủ phương tiện sẽ mang lại lợi ích kép, vừa đảm bảo chất lượng phương tiện khi tham gia giao thông ở mức tốt nhất. Từ đó đảm bảo an toàn giao thông lại vừa giúp được cơ quan đăng kiểm tiết kiệm được thời gian và công sức trong quá trình thực hiện kiểm định xe. Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nhận định, việc bảo dưỡng xe định kì không những đảm bảo cho phương tiện luôn ở trạng thái tốt nhất mà sẽ giúp cho quá trình kiểm định xe sẽ rút ngắn được thời gian. Điều này sẽ mang đến lợi ích cho cả chủ phương tiện lẫn các trung tâm đăng kiểm. Cũng theo ông Bùi Danh Liên, hiện nay có một bộ phận chủ phương tiện chưa ý thức được vai trò trách nhiệm cũng như quyền lợi của mình khi đưa xe đi kiểm định. Không ít người có cách nghĩ đi đăng kiểm chỉ để đảm bảo điều kiện được cấp chứng nhận cho xe lưu hành trên đường mà bỏ qua khuyết điểm mất an toàn phương tiện. Đây là điều rất nguy hiểm bởi nếu phương tiện không đảm bảo chất lượng mà tham gia giao thông, nguy cơ gây tai nạn sẽ rất cao. “Xe được bảo dưỡng định kỳ sẽ đảm bảo được điều kiện tốt nhất khi tham gia giao thông. Đây là điều quan trọng nhất” – chuyên gia Bùi Danh Liên khẳng định. Trong khi đó, TS Khương Kim Tạo – nguyên Phó Chánh Văn phòng Uỷ ban ATGT Quốc gia lại so sánh việc kiểm định định kỳ đối với phương tiện cũng giống như kiểm tra sức khoẻ tổng quát định kỳ của con người. Nghĩa là kết quả kiểm định phương tiện chỉ có giá trị trong một thời điểm nhất định và việc phương tiện được kiểm định xong không đồng nghĩa với việc chiếc xe đó sẽ không gặp vấn đề trong thời gian sau đó. Do đó, việc theo dõi thường xuyên tình trạng của xe cũng như đưa xe đi bảo dưỡng định kỳ là việc các chủ xe cần và nên làm. “Trách nhiệm của chủ xe là phải theo dõi trạng thái hoạt động của phương tiện để kịp thời phát hiện những bất thường, hư hỏng và bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời để đảm bảo an toàn cho bản thân, người ngồi trên xe khi di chuyển” – TS Khương Kim Tạo nhận định. Chuyên gia giao thông này cũng cho rằng, hiện nay nhiều chủ phương tiện vẫn chưa thực sự coi trọng việc bảo dưỡng xe định kỳ. Điều này khiến cho tình trạng nhiều phương tiện kém chất lượng nhưng vẫn tham gia giao thông. Do đó, việc luật hóa trách nhiệm bảo dưỡng định kỳ xe của chủ phương tiện sẽ giúp chủ xe có trách nhiệm hơn trong việc chủ động đưa xe đi bảo dưỡng định kỳ, đảm bảo xe luôn đạt điều kiện về an toàn khí thải và bảo vệ môi trường trong quá trình lưu thông chứ không chỉ để đạt khi đăng kiểm. Dù thừa nhận lợi ích mà việc luật hóa trách nhiệm bảo dưỡng định kỳ xe của chủ phương tiện mang lại song nhiều chuyên gia cũng bày tỏ quan ngại để quy định trên đi vào cuộc sống là điều không đơn giản bởi khó hậu kiểm. Trên thực tế, ngay cả đã được luật hóa nhưng việc thực hiện lại phụ thuộc khá nhiều vào tính tự giác của các chủ phương tiện. Trong trường hợp chủ phương tiện cố tình chây ỳ không thực hiện bảo dưỡng xe thường xuyên, cũng không dễ để xử phạt. Nếu chủ xe cứ khăng khăn là đã bảo dưỡng xe định kỳ rồi nhưng lỗi của xe là mới phát sinh thì cũng khó có cách nào chứng minh được lỗi của họ. Vì hiện nay việc bảo dưỡng xe là dịch vụ mở, không có qui định xe bảo dưỡng xong phải có giấy chứng nhận hay một loại giấy tờ tương tự nào. Theo Kinh tế đô thị
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|