Lương tối thiểu vùng 2024: Thế nào là hợp lý?08/08/2023 - 10:16:00 Theo dự kiến trong tháng 8, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ chính thức họp phiên đầu tiên để thảo luận phương án lương tối thiểu vùng năm 2024. Lương tối thiểu vùng tăng hay giữ nguyên vẫn là ẩn số trong bối cảnh doanh nghiệp, người lao động gặp nhiều khó khăn. Làm gì để doanh nghiệp không khó khăn thêm khi tăng lương cho công nhân, đó là vấn đề đã và đang được đặt ra.
Nguyện vọng của công nhân May mắn khi đến công ty mới, chị Nguyễn Thị Thu Hường (23 tuổi) - công nhân Công ty Canon Việt Nam được chuyển vào ở trong khu nhà chung cư cho công nhân (Hải Bối, Đông Anh). Khu đơn nguyên dành riêng cho công nhân nữ chừng 20m2, có 3 giường tầng, mỗi giường 2 tầng cho 6 người ở. Ngoài phòng ở, tại đây còn bố trí phòng điều hòa, phòng bếp, phòng sinh hoạt chung và khu vệ sinh riêng biệt cho lao động. "So với việc ở phòng trọ ngoài thì ở đây như “thiên đường” với công nhân chúng tôi. Điều kiện sinh hoạt đảm bảo, an ninh tốt, đặc biệt giá thuê chỉ bằng 1 bát phở (40-50.000 đồng/tháng)" – chị Hường chia sẻ. Không phải trả tiền thuê trọ giá cao, song mỗi tháng chị Hường cũng chỉ để dư ra được 3 triệu đồng. Số tiền này gửi về quê hỗ trợ bố mẹ nuôi 2 đứa em ăn học. “Để dành được 3 triệu đồng mỗi tháng tôi phải tăng ca cật lực và hạn chế các cuộc vui. Đi làm được 3 năm nhưng tôi thấy cuộc sống của mình rất mông lung, tôi không dám đặt cho mình một ước mơ, hay mục tiêu gì vì e là khó thực hiện. Làm công nhân mới thấy, lương tăng dù chỉ một đồng cũng có ý nghĩa lớn thế nào” - chị Hường giãi bày. Khi được hỏi về việc tăng lương tối thiểu vùng năm 2024, chị Trịnh Thị Dung - công nhân Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) kể: Công nhân chúng tôi thường không có thời gian đọc tin tức, báo đài thế nhưng cứ mỗi kỳ Hội đồng Tiền lương họp là không bỏ sót thông tin nào. Mỗi ngày qua đi là những cảm xúc lo lắng, hồi hộp, thất vọng và vui mừng đan xen. “Hiện giờ công ty cũng gặp rất nhiều khó khăn. Từ đầu năm 2023 tôi đã phải gửi con về quê cho ông bà nuôi vì thu nhập không đủ trang trải sinh hoạt thiết yếu. Nếu không tăng lương, nhà nước, doanh nghiệp (DN) cũng cần có chính sách hỗ trợ công nhân thuê nhà trọ, điện giá rẻ. Đặc biệt có cơ chế để con em chúng tôi được học trường công” - chị Dung đề xuất. Doanh nghiệp tâm tư Thời điểm này câu chuyện tăng lương tối thiểu vùng hay không, tăng thế nào cũng là câu chuyện được nhiều DN quan tâm. “Nên tạm dừng tăng lương tối thiểu vùng 1 năm” - đó là chia sẻ của anh Lại Phúc An (Công ty TNHH Phúc An, KCN Thạch Thất, Hà Nội). Anh An cho biết, công ty anh có khoảng 200 công nhân, nếu tăng lương tối thiểu vùng thì mỗi tháng công ty phải gánh thêm chi phí khá lớn trong khi đó từ đầu năm 2023 đến giờ hầu như doanh thu của công ty đều âm. “Hiện nay để trả lương hàng tháng, đóng BHXH, BHYT cho người lao động (NLĐ) đầy đủ không bị nợ cũng đã là cố gắng của DN. Nhiều đơn hàng chúng tôi làm không có lãi nhưng vẫn chấp nhận để giữ việc cho NLĐ” - anh An cho biết. Đề cập đến vấn đề này, Chủ tịch Công đoàn ngành Dệt May Hà Nội Hoàng Thanh Sơn cho biết, công nhân luôn muốn tăng lương, cải thiện thu nhập. Song việc này cũng cần xem xét, căn cứ trên tình hình kinh tế - xã hội năm nay để tính mức điều chỉnh lương phù hợp với "sức khỏe" của DN. Nhiều DN xuất khẩu thiếu đơn hàng, trong đó có ngành dệt may. Cũng theo ông Sơn, nếu sa thải lao động, sau này kinh tế phục hồi, DN rất khó tuyển dụng. Còn cố duy trì lại gánh thêm áp lực tăng lương, các DN không trả được chi phí sẽ buộc phải chọn giải pháp tình thế là giãn việc để giảm chi phí nhân công. Chính vì vậy, vị đại diện công đoàn nhận định, năm nay giữ việc cho công nhân đã khó thì càng khó nói đến việc tăng lương. Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc DN duy trì được mức lương hiện tại đã là nỗ lực rất lớn. Điều chỉnh tiền lương tối thiểu lúc này, chủ sử dụng lao động càng khó khăn hơn. DN khó khăn hơn nghĩa là đời sống NLĐ cũng bấp bênh thêm. DN sẽ phải điều tiết lại, thậm chí là cắt giảm việc làm, cho lao động nghỉ luân phiên. "Từ đó, vô hình chung chúng ta lại đẩy một bộ phận NLĐ đang có việc làm trở thành không có việc, đồng nghĩa với giảm thu nhập. Đó là điều không ai mong muốn" - Phó Chủ tịch VCCI phân tích. Cải cách tiền lương không dễ Đó là chia sẻ của nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân khi được hỏi có nên tăng lương hay không? “Không chỉ khu vực công mà cả khu vực tư để cải cách tiền lương cũng rất khó. Làm thế nào để công nhân sống được bằng lương mà DN không áp lực là câu hỏi được đặt ra nhiều năm nhưng đến nay chưa có câu trả lời. Đây cũng chính là nhân tố khiến các cuộc họp của Hội đồng tiền lương quốc gia luôn nóng là vì thế” - ông Huân chia sẻ. Thực tế hiện nay mặc dù mức bình quân tiền lương của khu vực DN cao hơn khu vực công nhưng thu nhập không cao. Bởi vậy, định kỳ hàng năm Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ xem xét tăng lương tối thiểu vùng. Theo tính toán, thống kê của Tổng cục Thống kê, tiền lương của công nhân, lao động khu vực tư nhân (khối DN, hợp tác xã...) vào khoảng 6-7 triệu đồng/tháng. Mức này có cao hơn so với thu nhập bình quân của nhóm công chức, viên chức nhưng ngoài phần thu nhập này công nhân lao động không còn khoản nào thu thêm. Thu nhập, đời sống cũng như chất lượng cuộc sống hiện nay của NLĐ chính là tấm gương phản chiếu bức tranh về thị trường lao động nửa đầu năm 2023 vừa qua. Tình trạng DN gặp khó khăn buộc phải cắt giảm sản xuất, ngừng việc... tăng khiến cho tỷ lệ lao động mất việc làm, thất nghiệp, giảm việc gia tăng khiến cho thị trường lao động đối mặt với nhiều vấn đề. “Khó khăn của nền kinh tế đã tác động trực tiếp tới việc làm, thu nhập và đời sống của công nhân lao động. Do đó, việc xem xét tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2024 được cho là rất cấp thiết” - ông Huân nói. TS Nguyễn Hữu Dũng - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (thuộc Bộ LĐTB&XH) cho rằng, hiện nay có khá nhiều DN vẫn giữ vững sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển nên cần tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 cho NLĐ bằng mức tăng năm 2022 là 6%. Tuy nhiên, hiện có một bộ phận không nhỏ, khoảng 30% DN gặp khó khăn vì không có đơn hàng hoặc bị giảm đơn hàng, công nhân thiếu việc làm; nếu tăng lương tối thiểu thì công ty gặp khó, có thể dẫn đến chấm dứt hợp đồng với NLĐ. Cho nên, đối với những DN khó khăn, không có nguồn để tăng lương tối thiểu vùng thì Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ. Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|