Theo các chuyên gia, trong bối cảnh các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16, việc thống nhất “luồng xanh” nói chung, mở rộng luồng xanh đường thủy nói riêng góp phần lưu thông nông sản trong nội tỉnh và liên vùng giữa các địa phương là rất quan trọng để thúc đẩy tiêu thụ, lưu thông lương thực, thực phẩm, vật tư nông nghiệp đảm bảo chu kỳ sản xuất mới hậu Covid 19.
Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang cho biết, từ chỗ là tâm dịch lớn nhất của cả nước, đến nay Bắc Giang đang tập trung mọi nguồn lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục sản xuất đảm bảo hài hòa giữa sản xuất và yêu cầu phòng chống dịch.
Qua thực tiễn sản xuất cho thấy, song hành với việc khống chế dịch bệnh an toàn thì việc tạo điều kiện lưu thông nông sản là rất quan trọng. Minh chứng cho điều này là tăng trưởng nông nghiệp của địa phương qua 6 tháng đầu năm gấp hơn 3 lần kế hoạch đề ra và đang hướng đến mục tiêu khoảng 4,6%, vượt hơn 2% kế hoạch đề ra của năm nay.
Với đặc thù địa hình nhiều kênh rạch, hầu hết các nhà máy sản xuất, chế biến lúa gạo cập bờ sông, bờ kênh, thóc, gạo sản xuất ở vùng ĐBSCL hơn 90% được vận chuyển bằng đường thuỷ. Vì vậy, việc khơi thông dòng chảy phương tiện chuyên chở sẽ góp phần đáng kể giúp các thương lái và doanh nghiệp xuất khẩu gạo duy trì được chuỗi cung ứng lúa gạo hàng hóa từ đồng ruộng ra đến cảng xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Cần Thơ, những chủ trương, quyết định chung có tính chất tháo gỡ khó khăn đã được đưa ra nhưng còn phụ thuộc vào mỗi địa phương về cách hiểu và áp dụng triển khai như thế nào.
“Sở kiến nghị Bộ NN&PTNT có ý kiến với Bộ GTVT hướng dẫn giao cho tỉnh cấp giấy giống như luồng xanh đối với xe tải để cho các ghe đi thu mua lúa thuận lợi. Cần thành lập đường dây nóng giữa các tỉnh để tháo gỡ cho các thương lái, doanh nghiệp thu mua lúa. Bây giờ có những quy định rất ngặt nghèo nên nhiều khi anh em đi tới đó không biết gọi ai không biết nhờ ai để hỗ trợ”, ông Nhơn đề xuất.
Báo cáo từ Tổ công tác đặc biệt phía Nam của Bộ NN&PTNT cho thấy, tính đến ngày 12/8, vụ lúa Hè Thu tại các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL đã thu hoạch được hơn 800.000 ha với sản lượng đạt khoảng 4,5 triệu tấn. Dự kiến thời điểm thu hoạch rộ trong tháng 8 và kết thúc vào giữa tháng 9.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay với ngành nông nghiệp đó là việc áp dụng Chỉ thị 16 tại các tỉnh, thành phố phía Nam, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn lưu thông lúa, gạo, hàng hóa từ ruộng về nhà máy và từ nhà máy ra các cảng biển để xuất khẩu. Nông dân đang thu hoạch lúa trong khi các cấp xã, thôn, ấp, áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống dịch… dẫn đến thiếu hụt trầm trọng lực lượng lao động thời vụ trên đồng, từ người đi thu mua cho đến người gặt lúa, bốc vác xuống ghe.
Thông thường, người dân sẽ sử dụng ghe, thuyền gia dụng để vận chuyển lúa từ ruộng đồng, tuy nhiên, hiện nay, các phương tiện này không thể di chuyển từ vùng này sang vùng khác, đặc biệt là khu vực kênh, mương thủy lợi nội đồng gây khó khăn trong lưu thông lúa, gạo.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản cho rằng, đối với khu vực ĐBSCL vận chuyển bằng đường thủy là chính khi đưa thóc từ ruộng đồng đến các cơ sở chế biến và vận chuyển từ nhà máy chế biến.
“Khi đã có “luồng xanh” trên đường bộ thì cũng cần có “luồng xanh” trên đường thủy. Việc này cần phải được thống nhất giữa các Sở GTVT, Thanh tra giao thông đường thủy các địa phương và mẫu giấy phải thống nhất được điểm đi và điểm đến để tháo gỡ khó khăn”, ông Toản nêu rõ.
Giải tỏa được ách tắc hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi vận chuyển lưu thông tiêu thụ nông sản là việc làm cấp thiết hiện nay. Vì vậy rất cần sớm có những hướng dẫn để các địa phương thống nhất trong chỉ đạo triển khai tháo gỡ những nút thắt trong vận chuyển và lưu thông nông sản, nhất là những loại nông sản đang vào vụ thu hoạch. Liên quan đến vấn đề này, Bộ Công Thương đã có văn bản hỏa tốc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao các Bộ, ngành, địa phương liên quan khẩn trương nghiên cứu mở "luồng xanh" cho vận tải đường thủy.
Cũng trong động thái mới nhất, Bộ GTVT cũng đã có văn bản yêu cầu Sở GTVT các địa phương khẩn trương tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa trên đường thủy nội địa nhằm tránh sự đứt gãy chuỗi vận tải, logistics phục vụ sản xuất và cung ứng hàng hóa cho nhân dân./.