Lưu truyền nghệ thuật tuồng Thạch Lỗi ở Hải Dương23/03/2024 - 14:28:00 Là một vùng quê giàu giá trị văn hóa, truyền thống, cùng với hệ thống di tích cổ kính được các thế hệ người dân nơi đây gìn giữ, xã Thạch Lỗi còn được biết đến là một nơi hiếm hoi trên địa bàn tỉnh Hải Dương giữ được nghệ thuật tuồng cổ.
Theo lời giới thiệu của anh Nguyễn Bá Giang, cán bộ của Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hải Dương, chúng tôi tìm đến thôn Thạch Lỗi (xã Thạch Lỗi, huyện Cẩm Giàng) để trải nghiệm và tìm hiểu nghệ thuật tuồng nơi đây. Vui vẻ đón tiếp, ông Nguyễn Đắc Gạo, thành viên Đội văn nghệ quần chúng giữ gìn nét tuồng xưa thôn Thạch Lỗi cho biết, hiện đội văn nghệ có hơn 20 thành viên, phần lớn là các anh, chị của lớp thế hệ trước với niềm đam mê, yêu văn nghệ, tập hợp lại với nhau để cùng luyện tập, biểu diễn với mong muốn giữ gìn nét tuồng cổ của địa phương. “Tuồng xuất hiện tại Thạch Lỗi trước thời điểm tôi sinh ra. Với trách nhiệm của thế hệ hậu sinh, chúng tôi mong muốn đóng góp một phần nhỏ vào việc gìn giữ văn hóa, nghệ thuật tuồng của quê hương,” ông Nguyễn Đắc Gạo chia sẻ.
Đi biểu diễn ở nhiều nơi Theo tìm hiểu của Mekong ASEAN từ các nguồn tài liệu của địa phương, hát tuồng đã có ở Thạch Lỗi từ rất lâu, không ai nhớ được. Chỉ biết là từ thời Pháp thuộc có một số người tự lập gánh hát, trong đó có các nghệ nhân như cụ Kép Vòi, Kép Vọi từng đi biểu diễn ở nhiều nơi và gây tiếng vang lớn. Bắt đầu những năm kháng chiến chống Mỹ, khi huyện thành lập đội hát tuồng và được các nghệ sĩ, giảng viên Nhà hát tuồng Trung ương về truyền đạt, huấn luyện kỹ thuật biểu diễn thì phong trào hát tuồng nơi đây trở nên rất mạnh và sôi nổi. Đội tuồng lúc này có đến hơn 50 người tham gia gồm cả diễn viên và nhạc công. Trong đó, bà Vũ Thị Thuyết và Vũ Thị Diên là hai diễn viên chính, cũng là hai ngôi sao sáng của đội tuồng Thạch Lỗi lúc bấy giờ. Đội tuồng ở xã Thạch Lỗi, huyện Cẩm Giàng được thành lập năm 1963, với 52 diễn viên và nhạc công. Được sự giúp đỡ và tập huấn của Nhà hát Tuồng Trung ương, đội tuồng Thạch Lỗi đã dàn dựng được 8 vở, tham gia biểu diễn phục vụ nhân dân trong và ngoài xã và đi lưu diễn văn nghệ quần chúng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Trong ký ức của các thành viên cao tuổi ngày ấy, ban ngày thì cày cấy, đến tối thì ăn vội bát cơm rồi nhanh chóng ra tập cho kịp thời gian. Đến đúng giờ, cả đội tập trung trước nhà cụ Cam, cụ Si ở ngay đầu làng, nơi mà các giảng viên về dạy trú lại. Cứ mỗi lần đội tập là dân làng lại kéo đến đông kín để xem… khuôn mặt ai nấy đều rạng rỡ, phấn khởi, quên đi đói, mệt, vất vả hàng ngày. Sau này, đội tuồng không chuyên xã Thạch Lỗi được thành lập. Ngoài biểu diễn tại những lần tổ chức hội làng, cùng phong trào "Tiếng hát át tiếng bom", đội tuồng xã Thạch Lỗi còn đi khắp nơi biểu diễn. Những vở tuồng cổ như "Trưng Nữ vương khởi nghĩa", "Ngọn lửa Hồng Sơn", "Trần Quốc Toản ra quân", "Tình cá nước", "An Tư công chúa"... do đội biểu diễn đã gây tiếng vang lớn cả ở trong và ngoài tỉnh lúc bấy giờ.
Tuy nhiên, chiến tranh lấy đi nhiều thứ, kể cả nghệ thuật tuồng của họ. Các thành viên đội tuồng thưa vắng dần, khi đó người thì đi bộ đội, người thì di cư, làm ăn kinh tế và người thì đã mất... Đến năm 1977 thì đội tuồng tan rã hẳn. Sau đó, người dân Thạch Lỗi đôi khi chỉ còn nghe thấy tiếng hát của bà Thuyết, bà Diên ôn lại những điệu tuồng, không để đam mê của mình rơi vào quên lãng. Khôi phục nghệ thuật truyền thống Khoảng năm 1978, với tinh thần yêu mến bộ môn hát tuồng, một số diễn viên, nhạc công tìm lại tổ chức biểu diễn nhỏ lẻ, luyện tập, giữ lửa truyền thống. Năm 1990 một số nghệ nhân am hiểu nghệ thuật hát tuồng đã tự tập và thu băng vở diễn “Ngọn lửa Hồng Sơn”. Năm 1995, đình làng Thạch Lỗi được trùng tu lại và được Bộ Văn hoá Thông tin công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 1460/QĐ/VH ngày 28/6/1996, UBND xã Thạch Lỗi, Ban Quản lý di tích đình Thạch Lỗi quyết định mở hội truyền thống hàng năm, tại đây các diễn viên, nhạc công trong đội tuồng cũ đã dựng lại một số vở tuồng để biểu diễn phục vụ hội đình làng như “Ngọn lửa Hồng Sơn”, “Trưng Nữ vương”, “Gia đình chị Ngộ”…
Đến năm 1997, được sự quan tâm của ngành văn hóa và chính quyền địa phương, nghệ thuật tuồng truyền thống ở xã Thạch Lỗi được khôi phục. Bà Thuyết, bà Diên cùng một số thành viên của đội tuồng cũ vô cùng phấn khởi, tích cực tham gia gây dựng lại đội tuồng bằng cách động viên và truyền dạy cho một số người trẻ trong làng có đam mê cùng tham gia. Tuy nhiên, từ khi tái thành lập, đội tuồng gặp khá nhiều khó khăn như kinh phí hỗ trợ hoạt động ít, trang phục biểu diễn phải xin lại của Nhà hát Tuồng Trung ương, thứ nguyên vẹn thì cũng đã ngả màu, thứ đã rách thì đội tự vá lại để dùng tiếp… Vượt qua những khó khăn đó, đội tuồng xã Thạch Lỗi nhiều năm tham gia các hội diễn trong và ngoài tỉnh, giành được nhiều giải thưởng. Trong đó phải kể đến Hội diễn Tuồng truyền thống các tỉnh phía Bắc tại Đông Anh, Hà Nội năm 1998, đội giành giải nhì toàn đoàn và 4 giải diễn viên xuất sắc; Hội diễn ca múa nhạc truyền thống toàn quốc tại Nha Trang năm 2003, đội giành giải khuyến khích toàn đoàn và giải nhất về dàn nhạc truyền thống. Ngoài ra, cá nhân bà Vũ Thị Diên được Sở Văn hoá - Thông tin Hà Nội tặng Huy chương vàng tại Liên hoan sân khấu Tuồng không chuyên Thủ đô năm 1988, Bộ Văn hoá - Thông tin tặng Huy chương bạc tại Hội thi sân khấu tuồng không chuyên toàn quốc. Bà Thuyết và bà Diên còn được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ Văn hóa - Thông tin, UBND tỉnh Hải Dương và giải thưởng, giấy khen tại các Hội diễn sân khấu không chuyên của tỉnh...
Đại diện chính quyền thôn Thạch Lỗi cho biết, từ năm 2010 - 2012, nghệ nhân Vũ Thị Diên và nghệ nhân Vũ Thị Thuyết đã tích cực truyền dạy cho các cháu học sinh Trường THCS vở tuồng “Trưng Nữ vương” và Trường Tiểu học Thạch Lỗi vở tuồng “Trần Quốc Toản”. Hàng năm đội tuồng xã Thạch Lỗi thường xuyên biểu diễn phục vụ lễ hội truyền thống đình làng trong ngày hội, được đông đảo quần chúng và nhân dân ủng hộ và cổ vũ nhiệt tình. Với những cống hiến và thành tích trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật tuồng truyền thống, năm 2015, bà Vũ Thị Thuyết và bà Vũ Thị Diên đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Cần sự quan tâm của các cấp, các ngành… hơn nữa Thực hiện các biện pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật tuồng tại xã Thạch lỗi, từ tháng 9 - 12/2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương phối hợp với UBND huyện Cẩm Giàng thực hiện chương trình sưu tầm, tư liệu hoá và truyền dạy nghệ thuật hát tuồng. Trong đó, Phòng Quản lý Di sản văn hoá của Sở phối hợp với các Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cẩm Giàng, công chức văn hoá xã Thạch Lỗi đã thực hiện các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hoá các tài liệu liên quan đến di sản văn hoá nghệ thuật hát tuồng đang hiện diện trong đời sống cộng đồng nhân dân tại xã Thạch Lỗi để đánh giá hiện trạng của di sản tại địa phương. Đồng thời phối hợp với các nghệ nhân tổ chức lớp bồi dưỡng kỹ năng thực hành nghệ thuật hát tuồng cho các thành viên đội tuồng và một số cá nhân yêu thích nghệ thuật tuồng của xã Thạch Lỗi. Đây là tín hiệu đáng mừng cho đội tuồng Thạch Lỗi khi tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, địa phương. Bởi thời điểm đó, đội tuồng Thạch Lỗi có hơn 20 thành viên nhưng đều đã ở ngưỡng tuổi ngoài 50, có người đã trên 80 tuổi, nên việc tìm kiếm lớp kế cận là điều hết sức cần thiết.
Sau khi hoàn thành chương trình, các diễn viên, nhạc công đội tuồng xã Thạch Lỗi đã được trau dồi, nâng cao hơn về các kỹ năng cơ bản của nghệ thuật hát tuồng như nói đối thoại; các điệu hát tuồng; hát tập thể; kỹ thuật múa tuồng; kỹ thuật hóa trang nhân vật trong nghệ thuật tuồng; một số lề luật trong sân khấu tuồng… Kết thúc chương trình, ngày 18/12/2020, Ban chủ nhiệm Chương trình đã tổ chức tổng kết kết quả thực hiện chương trình, ngoài các báo cáo đánh giá một cách khách quan, toàn diện hiện trạng của nghệ thuật tuồng tại xã Thạch Lỗi, các học viên của lớp truyền dạy kỹ năng tuồng đã thực hiện trình diễn báo cáo một số màn trong các vở tuồng tiêu biểu đang được truyền dạy, phổ biến tại địa phương… Ngày 6/12/2022, UBND xã Thạch Lỗi có ban hành quyết định số 155/QĐ-UBND về việc kiện toàn Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ hát tuồng xã Thạch Lỗi gồm 7 thành viên, trong đó có Chủ nhiệm và 3 Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ. Trong đó nêu rõ: “Ban chủ nhiệm điều hành Câu lạc bộ hát tuồng xã Thạch Lỗi hoạt động dưới hình thức tự nguyện. Kinh phí hoạt động của câu lạc bộ từ nguồn tài trợ, ủng hộ do các tổ chức, cá nhân và sự đóng góp tự nguyện của các thành viên trong câu lạc bộ”. Tình yêu với nghệ thuật tuồng của những nghệ nhân nơi đây thật quý giá, nhưng họ đều là những người tuổi đã cao, còn lớp trẻ kế cận thì đang thiếu vắng. Mặt khác, trong khi một số loại hình nghệ thuật truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một bởi các loại hình nghệ thuật hiện đại lấn át, họ dần ít có cơ hội được trình diễn như trước… “Để tuồng cổ xã Thạch Lỗi - một nghệ thuật độc đáo, hiếm hoi còn tồn tại trên địa bàn tỉnh Hải Dương được bảo tồn, gìn giữ lâu dài và bền vững thì ngoài tâm huyết của các nghệ nhân nơi đây còn cần nhiều hơn nữa sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự hỗ trợ của xã hội để bảo vệ và phát huy giá trị loại hình di sản văn hoá phi vật thể này”, đại diện UBND xã Thạch Lỗi bày tỏ. Theo Tạp chí Mekong Asean
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|