Liên tiếp các vụ thanh niên mang "phóng lợn" diễu phố

Ngày 17/4, Công an TP Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình) đã triệu tập 29 thanh, thiếu niên để làm rõ hành vi mang dao "phóng lợn", đi xe máy lạng lách làm náo loạn đường phố, gây mất an ninh trật tự.

Trước đó, khoảng 0h30 ngày 14/4, tổ công tác 161 của Công an TP Ninh Bình phát hiện nhóm thanh thiếu niên điều khiển xe máy tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, cầm dao "phóng lợn", vỏ chai bia… di chuyển trên đường.

z5354144971745-2fe6600a18f223daa-1713265611075-1.jpg

Công an TP Ninh Bình đưa nhóm thanh thiếu niên về trụ sở làm việc và thu giữ tang vật. Ảnh: CAND

Qua xác minh, cơ quan công an đã triệu tập, làm việc với 29 thanh thiếu niên liên từ 14 - 19 tuổi liên quan đến vụ việc (trong đó có 28 người trú tại Ninh Bình, 1 người trú ở Nam Định). Đồng thời, lực lượng chức năng cũng thu giữ 10 xe máy, 12 dao phóng lợn, 2 dao, 1 két bên trong có 4 vỏ chai bia.

Cách đó 1 tháng, tại Hà Nội, cũng xuất hiện nhóm thanh thiếu niên mang theo dao "phóng lợn" đi cướp tài sản.

Theo Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội, đơn vị phối hợp cùng lực lượng chức năng để bắt giữ 6 thiếu niên gồm: L.G.V., P.C.Đ., C.N.H.T.S., L.T.T. (cùng SN 2009) và Đ.T.K., T.G.B. ( cùng SN 2008), để điều tra về hành vi cướp tài sản.

adfqwe112.jpg

Nhóm thiếu niên sử dụng dao "phóng lợn" để cướp tài sản ở Hà Nội. Ảnh chụp màn hình

Theo điều tra, các đối tượng đã dùng dao "phóng lợn" dài 2m để uy hiếp, đánh rồi cướp xe máy nhãn hiệu Wave Alpha của anh N.Q.M. và N.Đ.C. (cùng trú tại Ứng Hòa). Ngoài ra, nhóm này còn khai nhận đã cùng các đồng phạm khác gây ra 3 vụ cướp trên địa bàn các quận Hà Đông, Đống Đa.

Trước đó, ngày 18/2, Công an tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời nhóm thanh thiếu niên mang theo dao "phóng lợn", vỏ chai bia, cốc thủy tinh… đi trên đường, có dấu hiệu gây rối trật tự công cộng.

Đề xuất bổ sung dao vào danh mục vũ khí thô sơ để quản lý

Liên quan đến vấn đề này, tại dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sửa đổi, Bộ Công an đề xuất quy định dao là vũ khí thô sơ vì có tính sát thương cao. 

Đại diện Bộ Công an cho biết, trong 5 năm qua, toàn quốc phát hiện 28.715 vụ, bắt giữ 48.987 nghi phạm sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, các loại dao và phương tiện tương tự dao. Trong đó, số vụ sử dụng dao và phương tiện tương tự dao chiếm tới 58,6%, vũ khí thô sơ chiếm 29,7%, súng tự chế chiếm 6,2%.

Đáng chú ý, tội phạm sử dụng các loại dao gây án chiếm tỉ lệ rất cao. Nhiều vụ nghi phạm sử dụng dao nhọn sắc có tính sát thương rất cao (dao bầu, dao phay, dao quắm…) để giết người với tính chất rất manh động.

f645ba2b23f38fadd6e2.jpg

Lực lượng Cảnh sát 141 (Công an TP Hà Nội) phát hiện thanh niên mang dao diễu phố. Ảnh: CACC

Đại diện Bộ Công an cũng cho rằng, các loại dao luôn có sẵn trong cuộc sống hằng ngày để phục vụ lao động, sản xuất, sinh hoạt… Khi phát sinh mâu thuẫn, nhiều đối tượng sẵn sàng sử dụng dao để tấn công. Tuy nhiên, do luật hiện hành không quy định dao là vũ khí, hành vi sử dụng dao chỉ bị xử lý khi nghi phạm phạm tội hình sự (giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích…), không thể xử lý theo hướng tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí.

“Thực tế hiện nay cũng nổi lên tình trạng nhiều thanh thiếu niên dùng dao lắp thêm cán sắt (dao phóng lợn) dài khoảng 1,5- 2m để diễu phố, gây án, làm môi trường an ninh trật tự của người dân bị đe dọa nghiêm trọng”, đại diện Bộ Công an đánh giá.

Do đó, việc quy định dao trong nhóm vũ khí thô sơ là một trong những cách để quản lý và điều chỉnh hành vi của người sử dụng dao. Trên cơ sở đó, hạn chế việc sử dụng công cụ, phương tiện này để chống người thi hành công vụ cũng như là đe dọa đến đời sống an ninh, an toàn của người khác.

Cũng theo đại diện Bộ Công an, dao có tính sát thương cao được định nghĩa là dao sắc, dao nhọn, dao sắc nhọn, có chiều dài lưỡi dao từ 20cm trở lên hoặc dao có chiều dài lưỡi dao dưới 20cm nhưng được hoán cải, lắp ráp để có công năng, tác dụng tương tự dao có tính sát thương cao.

Bộ Công an cũng đề xuất thêm một số hành vi bị nghiêm cấm như: Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép, chiếm đoạt vũ khí thô sơ trừ dao có tính sát thương cao sử dụng vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt.