Một bệnh nhi cùng gia đình tới Bệnh viện Điều trị Covid-19 Cần Giờ hồi giữa tháng 6 sau khi nhiễm SARS-CoV-2. Ảnh: Duy Hiệu.
Về cơ chế bệnh sinh, bác sĩ Phúc cho biết: “Giữa trẻ em và người lớn có sự khác biệt về nội mô và chức năng đông máu. Cụ thể là nội mô trẻ em ít bị tổn thương hơn người lớn. Mặt khác, trẻ cũng không có kiểu mảng xơ vữa tương tự người lớn”.
Theo Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, đây cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng bệnh Covid-19 diễn biến nặng, thậm chí nguy kịch ở những người có bệnh nền về tim mạch, đái tháo đường...
Bên cạnh đó, chức năng đông máu của trẻ em cũng ít xảy ra tình trạng tăng đông khi nhiễm virus hơn người lớn. Chính điều này khiến diễn biến bệnh Covid-19 ở trẻ thường nhẹ và trôi qua nhanh chóng.
“Thụ thể ACE2 và protease xuyên màng - hai yếu tố cần thiết cho SARS-CoV-2 xâm nhập vào tế bào của trẻ - cũng ít hơn khi so sánh với cơ thể người trưởng thành”, bác sĩ Phúc nói thêm.
Vị chuyên gia này cũng cho hay khả năng miễn dịch của trẻ tốt hơn người lớn, đặc biệt là người cao tuổi.
Ông giải thích: “Vitamin D cần thiết cho tổng hợp các yếu tố miễn dịch TE của trẻ em tốt hơn người lớn. Cùng với đó, khả năng miễn dịch bẩm sinh TE của nhóm này cũng mạnh hơn hẳn”.
Cùng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Cố vấn chuyên môn khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho hay việc trẻ mắc Covid-19 thường diễn biến nhẹ hơn còn đến từ yếu tố tâm lý.
“Người lớn với nhận thức đầy đủ khi mắc Covid-19 thường có xu hướng lo lắng. Một số trường hợp còn lo lắng thái quá. Tình trạng này cũng ảnh hưởng lớn tới quá trình điều trị và phục hồi của cơ thể”, bác sĩ Khanh nói.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng việc trẻ em sau khi chào đời được tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine cũng giúp nhóm này dễ dàng vượt qua Covid-19.
Không thể chủ quan
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, dù tỷ lệ không cao, trẻ em vẫn có nguy cơ diễn biến nặng khi mắc Covid-19, đặc biệt ở nhóm béo phì (có chỉ số BMI cao hơn 30) và mắc nhiều bệnh nền.
“Không chỉ Covid-19, những trường hợp này khi mắc bất cứ loại bệnh nào cũng rất dễ có diễn biến nặng”, vị chuyên gia này khẳng định.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cũng cho biết cơ sở y tế này đã ghi nhận một số bệnh nhi nhỏ tuổi mắc Covid-19 diễn biến nặng. Các bé có tình trạng nặng thường mắc bệnh nền như tim bẩm sinh, phổi mạn tính, tiểu đường, mạch vành, thiếu hụt miễn dịch như HIV...
|
Nhân viên y tế khử khuẩn cho một F0 nhỏ tuổi vừa được chuyển tới Bệnh viện dã chiến số 6 tại TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu.
Đơn vị này đang điều trị một bé gái 13 tuổi có tình trạng nặng. Trước đó, bé nhiễm SARS-CoV-2 không triệu chứng. Tuy nhiên, đến ngày thứ 5, bệnh nhi này đột ngột khó thở, SpO2 xuống thấp.
Ông cũng cho biết hai trường hợp tử vong mới đây tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố là trẻ có bệnh nền ung thư đang phải hóa trị định kỳ, bé còn lại mắc bệnh thiếu máu tan máu miễn dịch.
Bác sĩ Tiến chia sẻ trẻ có bệnh lý thiếu kháng thể, hội chứng Down, bệnh lý thần kinh, huyết học, thiếu máu não, ghép tạng, ung thư, bệnh viêm hệ thống..., thường đối mặt với nguy cơ gia tăng mức độ nặng khi mắc Covid-19.
Ngoài ra, bác sĩ Phạm Văn Phúc cho biết trong quá trình điều trị các bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng, nhân viên y tế cũng phải đặc biệt lưu ý đến hội chứng viêm đa cơ quan ở trẻ em do nhiễm SARS-CoV-2 (MIS-C).
“Các bệnh nhân Covid-19 là trẻ em, dưới 16 tuổi, khi xuất hiện hội chứng viêm đa cơ quan sẽ có diễn biến rất nặng và đặc biệt nguy hiểm”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Về phần phụ huynh, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến cảnh báo phải theo dõi sát tình trạng của trẻ khi mắc Covid-19, đặc biệt là triệu chứng khó thở, hụt hơi, nhịp thở nhanh...
|
|