Trong cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy vừa được khởi động, một chủ trương lớn đáng chú ý là sẽ xem xét chấm dứt mô hình Ban cán sự Đảng trong hệ thống hành chính các cấp để tổ chức mới Đảng bộ Chính phủ ở Trung ương và cũng mô hình Đảng bộ UBND ở địa phương.
Vậy Ban cán sự Đảng là gì và lý do tồn tại mô hình này trong chiều dài vận động, phát triển của Đảng?
Từ mô hình tổ chức Đảng đặc biệt
Các điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam từ Đại hội VI trở về trước, trong khi đảng bộ cùng với các tổ chức của mình như Ban Chấp hành, Ban Thường vụ là mô hình phổ biến thì Ban cán sự Đảng là một mô hình đặc biệt.
Chẳng hạn, điều lệ được thông qua tại Đại hội VI quy định trong những trường hợp đặc biệt, các tổ chức Đảng ở những đơn vị trực thuộc các bộ, sở hoạt động lưu động và phân tán trong phạm vi nhiều địa phương hoặc có những hoàn cảnh đặc biệt, cần giữ bí mật, mà không thể giao về đảng bộ địa phương được thì có thể được đặt dưới sự chỉ đạo của một ban cán sự.
Nhìn chung, các cơ quan quản lý nhà nước như bộ ở Trung ương hay sở ở địa phương thì đảng bộ vẫn là mô hình chung, với đảng ủy là tập thể lãnh đạo. Lúc đó không có Ban cán sự Đảng Chính phủ cũng như không có Ban cán sự Đảng ở các bộ.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo Chính phủ thông qua các đảng viên là lãnh đạo Chính phủ; lãnh đạo các bộ thông qua đảng viên là bộ trưởng, thứ trưởng.
Khi đất nước đã hoàn toàn bước vào giai đoạn phát triển trong hòa bình, ban cán sự theo Điều lệ Đảng từ Đại hội VII không còn là mô hình tổ chức Đảng đặc biệt nữa, mà bắt đầu được áp dụng như một mô hình tổ chức ở các cơ quan bộ, cơ quan ngang bộ ở Trung ương và các sở và tương đương ở địa phương.
Sang mô hình cứng thời bình
Cuối năm 1992, Bộ Chính trị ban hành Quyết định 48-QĐ/TW thiết lập mô hình Ban cán sự Đảng ở các bộ và cơ quan ngang bộ, cùng với đó là Ban cán sự Đảng Chính phủ. Một cách đồng bộ, Ban Thường vụ các Tỉnh ủy, Thành ủy cũng ra các quyết định thiết lập Ban cán sự UBND và Ban cán sự ở các sở.
Từ Đại hội VIII trở đi các Điều lệ Đảng được sửa đổi, quy định cứng về mô hình Ban cán sự Đảng trong cơ quan hành pháp, tư pháp cấp Trung ương và cấp tỉnh.
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Hữu Thắng, từ đây, ở các bộ song song tồn tại Đảng bộ cơ quan với Đảng ủy là tập thể lãnh đạo được tổ chức theo nguyên tắc chung do đại hội bầu lên. Bên cạnh đó là Ban cán sự Đảng được chỉ định cứng gồm bộ trưởng, các thứ trưởng cùng vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, trong đó bộ trưởng là bí thư.
Về chức năng, nhiệm vụ, theo Quy định 97-QĐ/TW của Bộ Chính trị ban hành đầu năm 2023, Ban cán sự có thẩm quyền lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ chính trị của ngành, tức lãnh đạo về công tác chuyên môn; lãnh đạo, chịu trách nhiệm toàn diện về công tác tổ chức, cán bộ.
Còn Đảng ủy các bộ thẩm quyền truyền thống chỉ tập trung vào công tác Đảng, đảng vụ, chẳng hạn lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, lãnh đạo công tác chính trị tư tưởng…
Về tổ chức, Ban cán sự Đảng các bộ chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhưng lại không phải là cấp trên của Đảng ủy bộ. Còn Đảng ủy bộ nằm trong Đảng bộ Khối cơ quan Trung ương và là cấp dưới trực tiếp của Đảng ủy Khối cơ quan Trung ương.
Để khắc phục sự ngăn cách này, Quy định 97 thiết lập quan hệ phối hợp giữa Ban cán sự với Đảng ủy các bộ trong nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng…
Bộc lộ hạn chế và giờ cần giải pháp khắc phục
Trong một bài viết trên Tạp chí Cộng sản, tháng 6-2023, PGS Phan Hữu Tích, một chuyên gia về ngành xây dựng Đảng, đánh giá mô hình Ban cán sự dù đã vận hành theo đúng Điều lệ và các quy định của Đảng nhưng qua thực tiễn cũng bộc lộ không ít hạn chế.
Đầu tiên là có sự chồng chéo trong hoạt động. Chẳng hạn, đã có tập thể lãnh đạo bộ gồm bộ trưởng và các thứ trưởng để thảo luận, bàn bạc tập thể các nội dung theo thẩm quyền nhưng lại có thêm Ban cán sự với thành phần chủ yếu vẫn là tập thể lãnh đạo. Có những công tác phổ biến, quán triệt chủ trương, nghị quyết của Đảng đã được Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương triển khai theo chiều dọc xuống Đảng ủy bộ nhưng đến Ban cán sự có khi vẫn phải triển khai theo tính chất chuyên sâu.
Rồi mô hình này dễ dẫn tới độ vênh, thiếu thống nhất giữa Ban cán sự với Đảng ủy. Thậm chí giữa bí thư Ban cán sự với bí thư Đảng ủy thể hiện “quyền anh, quyền tôi”, dẫn tới mất đoàn kết nội bộ.
Còn theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Hữu Thắng, mô hình Ban cán sự dù đã có quy định về phương thức phối hợp nhưng lúc này, lúc kia vẫn xuất hiện câu hỏi đâu là cấp trên của Đảng ủy bộ. Bởi nếu theo nguyên tắc tổ chức, Đảng ủy bộ nằm trong Đảng ủy khối thì Đảng ủy khối mới là cấp trên; còn Ban cán sự chỉ là bên phối hợp.
Vậy nên ông Thắng cho rằng để đơn giản hóa mô hình tổ chức, việc chấm dứt mô hình Ban cán sự, gộp chung vào Đảng ủy bộ là hợp lý. Theo đó, trong Đảng ủy bộ, ngoài Ban Thường vụ thì có thể lập thêm Thường trực Đảng ủy, do bộ trưởng làm bí thư, thực hiện chức năng như Ban cán sự.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cũng đồng tình với hướng tiếp cận này. Đảng lãnh đạo toàn diện thì bao gồm cả lãnh đạo chính trị, chuyên môn, công tác tổ chức, cán bộ cũng như các công tác Đảng, đảng vụ khác. Không nên để cắt khúc mãi.
Ông Hoàng Thế Liên cũng như ông Trần Hữu Thắng cũng cho rằng việc lập Đảng bộ Chính phủ trực thuộc Trung ương với cấp dưới là Đảng bộ các bộ, cơ quan ngang bộ là đúng đắn. Đây là mô hình hoàn toàn mới nhưng sẽ giúp nâng cao hiệu quả lãnh đạo toàn diện của Đảng, đồng thời góp phần thúc đẩy hệ thống hành chính thông suốt, mạch lạc hơn.
Dân chủ hơn
Theo định hướng sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy được phổ biến tại Hội nghị toàn quốc do Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức ngày 1-12, tổ chức Đảng trong cả hệ thống chính trị về cơ bản sẽ không còn mô hình ban cán sự, đảng đoàn.
Ngoài chấm dứt mô hình ban cán sự trong các cơ quan thuộc khối hành pháp Trung ương và địa phương, mô hình đảng đoàn ở Quốc hội, HĐND các cấp và MTTQ cũng như các tổ chức đoàn thể sẽ được chuyển đổi thống nhất sang mô hình cấp ủy trong đảng bộ cùng cấp.
Theo cách ấy sẽ tăng cường tính dân chủ hơn. Bởi nhân sự cấp ủy cũng như thường vụ, thường trực cấp ủy về cơ bản sẽ phải do bầu cử, trực tiếp hoắc gián tiếp từ lá phiếu, tín nhiệm của các đảng viên trong đảng bộ. Đây là điểm khác biệt với mô hình Ban cán sự hiện hành, do cấp trên chỉ định chứ không phải do cấp dưới bầu ra.