Trong 3 tháng đầu sẽ thực hiện mở tuyến lúc 5h30 và đóng tuyến lúc 22h, tàu chạy 10 phút/chuyến. Riêng ngày đầu tiên mở tuyến sẽ bắt đầu từ 8h.
Trong thời gian tiếp theo, tùy theo nhu cầu hành khách sẽ điều chỉnh cho phù hợp để đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của hành khách trên tuyến.
Giá vé lượt cho khách đi 1 ga là 8.000 đồng, đi cả tuyến 12.000 đồng/lượt. Vé ngày 24.000 đồng, có giá trị trong một ngày, không hạn chế số lượt.
Vé phổ thông 200.000 đồng/ tháng; vé ưu tiên với học sinh, sinh viên 100.000 đồng/ tháng; vé tập thể 140.000 đồng/ tháng. Miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, người có công, người trên 60 tuổi, người khuyết tật.
Đặc biệt, trong 15 ngày đầu tuyến khai thác thương mại, toàn bộ hành khách được phục vụ miễn phí.
Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội là tuyến đường hướng tâm, chạy từ khu vực ven Thủ đô vào sâu trong nội thành. Tuyến giúp giao thông Hà Nội giảm được áp lực phương tiện, ùn tắc, giảm áp lực cho các tuyến buýt cùng lộ trình.
Phương án tăng cường kết nối, trung chuyển hành khách bằng xe buýt cũng đã được Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông thành phố Hà Nội hoàn thiện. Dọc trục tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội có 36 tuyến buýt đang hoạt động (trong đó, có 33 tuyến trợ giá và 3 tuyến không trợ giá); 2 điểm trung chuyển khách tại Cầu Giấy và Nhổn; 32 điểm dừng xe buýt (chiều Cầu Giấy - Nhổn có 16 điểm dừng, chiều Nhổn - Cầu Giấy có 16 điểm dừng).
Bên trong nhà ga, toa tàu tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội:
Trước khi vận hành chính thức, các đoàn tàu tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội chạy thử suốt cả ngày 7/8. Ảnh: Hùng Nguyễn.
Chiều 7/8 và sáng 8/8, các nhà ga đã được lau chùi sạch sẽ. Mỗi nhà ga cao khoảng 22,5m, rộng 24m, thiết kế 3 tầng. Mặt bên của công trình có sự kết hợp giữa thảm cây xanh, chống nắng đảm bảo sự thông thoáng cho khu vực công cộng. Ảnh: Hùng Nguyễn.
Sáng và chiều 7/8, nhân viên vệ sinh toàn bộ nhà ga, kiểm tra kỹ thuật hệ thống vận hành thang máy, nguồn điện dự phòng. Ảnh: Phạm Hải.
Hệ thống được thiết kế theo tiêu chuẩn châu Âu. Các thiết bị có xuất xứ chủ yếu từ Pháp gồm: Máy bán vé tự động (TVM), hệ thống cửa, máy bán vé đặt tại phòng vé (TOM), máy khởi tạo thẻ (CIM), thiết bị soát vé cầm tay (PCD)... Ảnh: Hùng Nguyễn.
Quầy bán vé và máy bán vé tự động đã sẵn sàng phục vụ. Ảnh: Hùng Nguyễn - Phạm Hải.
Hành khách có thể tiếp cận nhà ga trên cao bởi 4 lối lên xuống từ 4 hướng trên vỉa hè hai bên đường. Hệ thống thang bộ, thang cuốn và thang máy tiện lợi cho cả người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ mang thai và trẻ em. Ảnh: Hùng Nguyễn.
Người dân sẽ sử dụng vé điện tử để đi tàu. Ảnh: Phạm Hải.
Vé này về sau được dùng chung một mẫu với các loại phương tiện công cộng khác như xe đạp công nghệ, xe buýt. Ảnh: Phạm Hải.
Anh Đức Chung cho biết, hiện tại, mỗi ca có 2 nhân viên an toàn làm việc. Tất cả đều đã được tập huấn kiến thức để sẵn sàng làm việc khi tàu chạy thương mại. Ảnh: Phạm Hải.
Tại nhà ga, trên tàu đều có khu vực riêng dành cho hành khách đi xe lăn. Ảnh: Phạm Hải.
Nội thất bên trong toa xe có 2 màu chủ đạo là xanh và hồng, giống bên ngoài đoàn tàu. Ảnh: Phạm Hải.
Cảnh quan hai bên đường nhìn từ cửa sổ toa xe đoạn Nhổn - Cầu Giấy. Ảnh: Phạm Hải.
Rất nhiều camera giám sát an ninh tại các cửa lên xuống. Ảnh: Hùng Nguyễn.
Dưới gầm ghế hành khách có trang bị bình chữa cháy. Ảnh: Phạm Hải.
Mỗi đoàn tàu có 4 toa do Alstom (Pháp) sản xuất, sử dụng động lực phân tán với động cơ đặt dưới gầm tàu, chạy bằng điện công suất 750V DC được cấp ở đường ray thứ ba để đảm bảo tính an toàn, tính ổn định và mỹ quan đô thị, theo tiêu chuẩn an toàn của thế giới. Ảnh: Phạm Hải.
Bảng thông tin ga dọc tuyến, giờ tàu chạy được treo ở vị trí dễ quan sát, gần lối vào. Ảnh: Hùng Nguyễn.