Minh bạch trong tuyển sinh26/06/2023 - 15:26:00 Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa thông báo tước quyền tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong 5 năm đối với một số trường đại học (ĐH) do vi phạm về tuyển sinh. Động thái này được nhiều chuyên gia và dư luận xã hội ủng hộ nhằm đảm bảo công bằng, minh bạch trong tuyển sinh.Xử lý nghiêm Đến thời điểm này có 2 trường ĐH phía Nam và 1 trường ĐH phía Bắc bị tước quyền tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong vòng 5 năm. Nguyên nhân là vì trước đó, các trường này bị Thanh tra Bộ GDĐT xử phạt hành vì đã có hành vi vi phạm quy định về đối tượng, điều kiện, chi tiêu tuyển sinh. Cụ thể là hành vi tuyển sinh vượt số lượng quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Theo đó, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh từ ngày 30/3/2023 đến 30/3/2028. Trường ĐH Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh từ ngày 2/4/2023 đến 2/4/2028. Trường ĐH Dân lập Phương Đông không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh kể từ ngày 5/9/2022 đến ngày 5/9/2027. Việc các trường bị tước quyền tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh không đồng nghĩa với việc trường dừng tuyển sinh. Thay vào đó, trong thời gian này, Bộ GDĐT sẽ xác định và thông báo chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường theo quy định của Luật Giáo dục ĐH. Thông tin với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) cho biết, các trường phải xác định chỉ tiêu theo đúng các điều kiện đảm bảo chất lượng, gửi Bộ GDĐT và Bộ sẽ xem xét giao chỉ tiêu cho các trường sau khi đã trừ đi số chỉ tiêu đã tuyển vượt năm trước. Việc này được thực hiện theo quy định nhằm đảm bảo công bằng, minh bạch trong tuyển sinh. Từ cuối năm 2022, Thanh tra Bộ GDĐT có hàng loạt quyết định xử phạt hành chính 78 trường ĐH tuyển sinh vượt chỉ tiêu của mùa tuyển sinh 2021. Theo Thanh tra Bộ GDĐT, ngoài tuyển sinh vượt chỉ tiêu tối đa theo năng lực, một số trường còn bị xử lý vì tuyển sinh không đúng đề án đã xác định và công khai, dù chưa vượt chỉ tiêu tối đa theo năng lực của mình. Mức xử phạt chính bằng tiền trong lĩnh vực giáo dục cao nhất là 150 triệu đồng với tổ chức và 75 triệu đồng với cá nhân. Ngoài xử phạt hành chính còn có hình phạt bổ sung. Theo Luật Giáo dục ĐH và thông tư 03 của Bộ GDĐT, trường ĐH vi phạm không được tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh mở ngành đào tạo, liên kết đào tạo… trong thời hạn 5 năm. Riêng về tuyển sinh, trường ĐH vi phạm về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật và không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong 5 năm. Vai trò quản lý và kiến nghị từ thực tiễn Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) cho rằng, một trong những vấn đề từng khiến nhiều người lo ngại khi các trường thực hiện tự chủ đó là sự tùy tiện. Thực tế đã chứng minh dù đã được trao quyền tự chủ nhưng các trường đều phải có trách nhiệm giải trình và vai trò quản lý của nhà nước thể hiện rõ nét trong việc tập trung vào việc kiểm định nghiêm ngặt, khách quan và chính xác chất lượng, hiệu quả đào tạo, công khai các kết quả đó để người học có cơ sở lựa chọn. Theo Luật Giáo dục ĐH sửa đổi (2018), trừ khối ngành Sư phạm, các trường ĐH được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh và công khai với xã hội. Tuy nhiên, việc này không được vượt quá năng lực đào tạo. Chẳng hạn, mỗi ngành đào tạo của trường có thể tăng chỉ tiêu tuyển sinh nếu bảo đảm các điều kiện: Số lượng giảng viên trên sinh viên theo quy định (1/30), tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm trên 80%, kết quả tuyển sinh ở năm trước trên 80%. Nếu không đáp ứng được 3 tiêu chí này, trường không được phép tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Nếu sai, Bộ GDĐT có quyền xử phạt. Về phía nhà trường, ghi nhận thực tế từ Trường ĐH Nông lâm TPHCM, mùa tuyển sinh năm 2022, số sinh viên nhập học vào trường cao hơn so với chỉ tiêu được xác định ban đầu là 151 sinh viên (tương đương 3,4% tổng chỉ tiêu). Tuy nhiên, đến thời điểm ngày 30/5/2023, tổng số sinh viên khóa 2022 chỉ còn 4.533, vượt chỉ tiêu 85 sinh viên (tương đương 1,9% tổng chỉ tiêu ban đầu). Lý do vì sinh viên nghỉ học theo nguyện vọng cá nhân (20 sinh viên, đã có quyết định của Hiệu trưởng) và dự kiến buộc thôi học năm học 2022 – 2023 (46 sinh viên, do đã bị cảnh báo học vụ học kỳ I năm học 2022 – 2023 và không đăng ký môn học trong học kỳ II năm học 2022 – 2023). Như vậy so với tổng chỉ tiêu xác định ban đầu, số lượng sinh viên tuyển vượt của Trường ĐH Nông Lâm TPHCM trong kỳ tuyển sinh sinh 2022 chưa đến 2%. Ông Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TPHCM kiến nghị, cần xem xét lại các quy định, nghị định đã ban hành sau một thời gian thực hiện. Đơn cử ở đây là Nghị định 127 quy định tuyển vượt 3% sẽ bị phạt nhưng như phân tích ở trên, sau một thời gian đào tạo, số sinh viên bị “rớt” lại rất nhiều. Nếu xét sau 4-5 năm, tỷ lệ sinh viên ra trường so với tuyển đầu vào chỉ còn lại khoảng 90%. Ông Lý đề xuất, về việc quy định chỉ tiêu bình quân cho các trường ĐH, cụ thể như nếu năm nay tuyển thiếu năm sau tăng một chút hoặc ngược lại, miễn sao 3 năm đạt 15.000 hoặc 5 năm đạt 25.000 sinh viên. Ông Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) cho biết, các trường phải xác định chỉ tiêu theo đúng các điều kiện đảm bảo chất lượng, gửi Bộ GDĐT và Bộ sẽ xem xét giao chỉ tiêu cho các trường sau khi đã trừ đi số chỉ tiêu đã tuyển vượt năm trước. Việc này được thực hiện theo quy định nhằm đảm bảo công bằng, minh bạch trong tuyển sinh. Theo Đại đoàn kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|