Du khách nước ngoài đến sân bay quốc tế Nội Bài trong ngày đầu mở cửa đón khách quốc tế. (Ảnh: Vũ Điệp). |
Trong hơn một tháng qua, sau khi có thông tin về Chính phủ ấn định mốc 15/3 mở cửa hoàn toàn du lịch, các địa phương và doanh nghiệp du lịch đã triển khai nhiều nội dung để khởi động lại hoạt động du lịch, kết nối với đối tác, xây dựng sản phẩm trọng điểm. Nhiều tỉnh, thành như Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Cần Thơ… đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch của địa phương trên các kênh truyền thông trong nước, quốc tế và kênh trực tuyến, mạng xã hội…. Ðồng thời, thực hiện đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; phát triển hệ thống hạ tầng du lịch để tăng sức thu hút đối với du khách trong nước và quốc tế.
Theo Tổng cục Du lịch, 2 tháng đầu năm 2022, tổng số khách du lịch nội địa đạt khoảng 17,6 triệu lượt khách; tổng thu từ khách du lịch cũng tăng trên 300% so với năm trước. Điều này cho thấy, các địa phương và doanh nghiệp du lịch đã sẵn sàng cho việc triển khai trở lại các hoạt động du lịch. Mặt khác, từ cuối tháng 11/2021, Việt Nam đã thực hiện thí điểm đón khách quốc tế. Với việc triển khai chương trình thí điểm, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực cũng như trên thế giới chủ động mở cửa trở lại đón khách du lịch quốc tế; qua đó thể hiện uy tín và năng lực phòng chống dịch COVID-19 của đất nước thời gian qua, khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, Chính phủ trong thực hiện mục tiêu “kép”, vừa phòng chống dịch tốt, vừa phát triển kinh tế hiệu quả.
Đặc biệt, phát biểu tại “Hội nghị triển khai mở cửa du lịch quốc tế an toàn, hiệu quả” được tổ chức vào tối ngày 15/3 vừa qua, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Nguyễn Trùng Khánh đã khẳng định: "Việt Nam chính thức mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới". Cụ thể, từ ngày 15/3, Việt Nam đã mở cửa trở lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới trên tất cả các cửa khẩu, bằng đường bộ, đường biển, đường sắt, đường hàng không; khôi phục toàn bộ chính sách visa như trước COVID-19, theo đó miễn visa đơn phương cho 13 quốc gia và vùng lãnh thổ; không hạn chế bất cứ hoạt động du lịch nào với khách nội địa…
Mới đây nhất, theo công văn số 1265/BYT-YTDP ngày 15/3/2022 của Bộ Y tế, khách quốc tế nhập cảnh Việt Nam bằng đường hàng không chỉ cần xét nghiệm âm tính với COVID-19 trước khi xuất cảnh, không cần xét nghiệm sau khi nhập cảnh, và được tham gia du lịch ngay. Trường hợp có biểu hiện nhiễm COVID-19 phải tiến hành xét nghiệm, nếu dương tính thì thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Với khách nhập cảnh bằng đường bộ, đường sắt, đường biển thì có thể xét nghiệm trước khi xuất cảnh giống đường hàng không nếu thời gian di chuyển ngắn. Trường hợp chuyến đi kéo dài thì xét nghiệm COVID-19 tại cửa khẩu. Việc điều chỉnh các quy định nói trên đã tạo thuận lợi nhất cho khách quốc tế đến Việt Nam du lịch, trên cơ sở bảo đảm các yếu tố an toàn phòng, chống dịch.
Hành khách làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất, tháng 1/2022. (Ảnh: Quỳnh Trần). |
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc mở cửa trở lại toàn bộ hoạt động du lịch vào thời điểm này là hết sức cần thiết và kịp thời. Bởi lẽ, đến nay, Việt Nam đã thực hiện tiêm hơn 200,3, triệu liều vaccine phòng COVID-19; chiến dịch tiêm chủng mũi 3 vaccine phòng COVID-19 cho người trên 18 tuổi cũng chuẩn bị được hoàn thành trên phạm vi cả nước. Nếu chậm triển khai mở cửa du lịch sẽ làm giảm sức hấp dẫn, bỏ qua thời điểm “vàng”, đánh mất sức hấp dẫn đối với khách quốc tế của du lịch Việt Nam vì nhiều quốc gia trong khu vực đã sớm có kế hoạch mở cửa từ trước.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng lưu ý, do dịch COVID-19 vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp nên việc mở cửa trở lại hoạt động du lịch gắn với bảo đảm công tác toàn phòng chống dịch là chủ trương đúng đắn, phù hợp. Để mở cửa du lịch hiệu quả, an toàn trong thời gian tới, việc đảm bảo tuân thủ thống nhất các quy định phòng chống dịch phải được các địa phương, doanh nghiệp du lịch quán triệt triển khai và được xem là nội dung ưu tiên hàng đầu trong hoạt động du lịch. Trao đổi với báo chí, PGS. TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn Cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng, nhìn nhận, du lịch là một ngành đặc thù nên các chính sách liên quan cũng cần linh hoạt để phù hợp hơn. Việc mở cửa là cần thiết nhưng vẫn phải giữ ở mức an toàn. Do vậy, phải có phương án nhập cảnh an toàn, khách sạn an toàn, dịch vụ ăn uống của khách an toàn, các dịch vụ vui chơi giải trí khác cũng phải an toàn. Bởi nếu đứt gãy một khâu, sẽ gây ảnh hưởng đến toàn bộ lịch trình của khách; làm giảm sức hấp dẫn của điểm đến và hiệu quả của hoạt động du lịch.
Để mở cửa du lịch hiệu quả, an toàn, các địa phương cũng cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; kết hợp quảng bá các điểm đến hấp dẫn với tuyên truyền kết quả phòng, chống dịch của nước ta để khách du lịch quốc tế sớm biết đến Việt Nam là một điểm đến an toàn trong công tác phòng dịch. Tiếp tục nghiên cứu, đẩy mạnh thực hiện đơn giản hóa các thủ tục đối với du khách quốc tế, trên cơ sở các quy định linh hoạt, phù hợp với diễn biến cụ thể của tình hình dịch COVID-19.
Thực tế, từ khi thí điểm mở cửa đón du khách quốc tế đến nay, nhìn chung các địa điểm du lịch đã tuân thủ tương đối đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Công tác bảo đảm an toàn phòng, chống dịch đã luôn được các địa phương, doanh nghiệp du lịch chú trọng trong toàn bộ quy trình đón và phục vụ du khách. Điều này không chỉ bảo đảm hiệu quả phòng, chống dịch, mà còn tạo sự tin tưởng ở du khách, nâng cao sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam.
Các khảo sát gần đây cho thấy, sau hơn 2 năm bị hạn chế đi lại bởi dịch COVID-19, hiện nay nhu cầu đi du lịch, nghỉ dưỡng của khách nội địa và khách quốc tế là rất lớn. Tiếp tục thực hiện đồng bộ, linh hoạt các chính sách sẽ là điều kiện thuận lợi để ngành du lịch Việt Nam tiến hành mở cửa hiệu quả, an toàn; hướng đến mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế và 60 triệu lượt khách nội địa trong năm 2022; phấn đấu tổng thu từ du lịch khoảng 400.000 tỉ đồng./.