Mượn sách giáo khoa: Không thể cào bằng05/10/2022 - 16:47:00 Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đang đề xuất phương án trích ngân sách 3.500 tỷ đồng mua sách giáo khoa (SGK) đáp ứng 70% nhu cầu học sinh (HS). Đây là tin vui với nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn song cần thực hiện khảo sát nhu cầu thực tế của từng địa phương, tránh lãng phí.
Ủng hộ song cần khảo sát cụ thể Tại hội thảo về công tác biên soạn, thẩm định, xuất bản, lựa chọn và sử dụng SGK giáo dục phổ thông mới đây, Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, Bộ đang đề xuất phương án trích ngân sách mua SGK đáp ứng 70% nhu cầu HS với số tiền 3.500 tỷ đồng ở năm đầu tiên. Các năm tiếp theo sẽ bổ sung 20% mỗi năm. Theo ông Thưởng, Bộ GDĐT đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn nghiên cứu, tính toán và đề xuất 3 phương án khác nhau gồm: Phương án trích ngân sách mua đủ 100% nhu cầu, phương án mua sách cho 70% nhu cầu và phương án chỉ mua sách cho HS có hoàn cảnh khó khăn. Sau khi nghiên cứu, Bộ đã lựa chọn phương án đáp ứng 70% nhu cầu. Số còn lại thuộc bộ phận người dân có điều kiện kinh tế ổn định, có thể tự mua sách cho con học. Dự kiến, sẽ cố gắng để triển khai từ năm học sau do năm học này không kịp thực hiện. Đây là một tin vui với nhiều trường học, nhiều HS, gia đình khó khăn khi mỗi đầu năm học, trăm khoản “tiền đóng gạo góp” nên nếu được mượn SGK, gia đình cũng bớt được một khoản phải lo. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, cần có những khảo sát cụ thể về việc đăng ký mượn SGK của nhà trường. Bởi trong cùng một địa phương, một trường hay một lớp, đều có những gia đình có điều kiện khá giả và những gia đình khó khăn hơn. Có người sẵn sàng mua 2 bộ SGK để con không phải mang đi mang về, trong khi những HS khác, mua 1 bộ sách mới mỗi đầu năm học cũng là một vấn đề. “Ngay cả những vùng thuận lợi cũng có HS khó khăn có nhu cầu mượn SGK và ngược lại, ở vùng khó khăn cũng có gia đình không muốn cho con em mình dùng lại SGK cũ, nên nếu trang bị cào bằng không dựa trên điều tra thực tế thì có thể dẫn đến tình trạng lãng phí, nơi thừa nơi thiếu không hợp lý” - ông Lâm phân tích. Từ góc độ nhà trường, nhiều hiệu trưởng ở các quận nội thành của Hà Nội đều bày tỏ băn khoăn về chỗ chứa SGK nếu tiếp nhận hàng nghìn bộ SGK một lúc do diện tích chật hẹp, phòng học nhiều nơi còn đang thiếu thì chỗ nào sẽ chứa SGK? Trong đó, năm đầu tiên có thể sẽ cho HS đăng ký mượn SGK, tức là sách sẽ phát tới tay HS ngay khi nhận, song từ năm thứ hai, thứ ba… sách đã cũ hơn, có những gia đình không muốn cho con dùng lại thì nên có phương án luân chuyển, trao đổi với các trường khác để tránh lãng phí. Tuy nhiên, do mỗi trường, mỗi địa phương sử dụng các SGK của các bộ sách khác nhau nên nếu không đúng sách nhà trường đang giảng dạy, có thể “cho cũng không đắt” vì để tham khảo thì chỉ cần một số lượng ít. Sách “cũ mà mới” và “siêu thị 0 đồng” Bên cạnh việc nhà nước chi ngân sách mua SGK cho HS mượn thì chính HS lớp trước cho lớp sau mượn sách cũng là một cách làm tuy không mới nhưng rất cần được nhân rộng. Là một phụ huynh, chị Phạm Thu Hằng (Khu đô thị Đại Thanh, Hà Nội) cho biết, năm học trước học online là chủ yếu, chỉ hơn 1 tháng cuối đến trường nên SGK của con chị còn mới tinh, sách bài tập Toán - Tiếng Việt tập 1, tập 2 chưa viết 1 chữ nào. Tiếc số sách “cũ mà mới” này, chị đăng lên nhóm của chung cư với hi vọng những cuốn sách không phải ra hàng đồng nát. Sau đó, những cuốn sách đã đến tay chủ mới và tiếp tục hành trình đem lại tri thức của mình. Trên thực tế, dù thay đổi chương trình, SGK mới song trong cùng một nhà trường, năm học sau nếu có cũng chỉ thay đổi một số ít đầu SGK so với năm học trước, không phải là tất cả nên việc tận dụng lại những cuốn SGK là hoàn toàn khả thi. Bà Đinh Phương Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Lương Yên (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho rằng, SGK hiện nay được cải tiến, in ấn đẹp, chất liệu tốt, sau một năm học nếu HS biết giữ gìn có thể tận dụng lại, tránh lãng phí. Nhiều năm qua trường đã triển khai hiệu quả, đều đặn phong trào tiếp nhận SGK cũ, đồ dùng học tập để tặng HS các trường vùng khó. Phụ huynh, HS rất ủng hộ và qua đây, cũng giúp giáo dục các em tinh thần “tương thân tương ái”, biết sống vì mọi người… Hiện trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương (Hà Nội) đang duy trì “siêu thị đồng phục 0 đồng” với “hàng hóa" là quần áo đồng phục mới hoặc đã qua sử dụng do HS trong trường quyên góp, để giúp cho HS trong trường không có điều kiện vẫn có thể thực hiện tốt nội quy mặc đồng phục theo quy định. Theo bà Phạm Minh Thảo - Hiệu trưởng nhà trường, những năm trước trường cũng từng tổ chức hoạt động này nhưng không phát cho chính HS tại trường mà để làm từ thiện ở những vùng sâu, vùng xa. Năm nay, trước tình hình thực tế cần thiết và phù hợp, nhà trường quyết định hỗ trợ ngay cho các HS của chính trường mình. Bộ GDĐT từng có cuộc vận động quyên góp, chuyển tặng và mua - bán SGK cũ đã thu hút được rất đông đảo HS tự nguyện tham gia. Với thế hệ 7X, 8X ở nhiều nơi chắc vẫn còn nhớ hình ảnh cứ gần đến mùa khai giảng là các cửa hàng sách cũ lại tấp nập phụ huynh, HS đến mua SGK cũ để chuẩn bị cho năm học mới. SGK cũ nhưng kiến thức không cũ. Những cuốn sách được trao truyền qua nhiều thế hệ HS mãi là một hình ảnh đẹp, chứa đựng những tình cảm thân thương mà đến nay vẫn còn “gây thương nhớ” với nhiều người. Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|