Trong phát biểu ngày 6-4, người phát ngôn Ned Price của Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục nhắc lại các cáo buộc Trung Quốc vi phạm nhân quyền đối với cộng đồng thiểu số Duy Ngô Nhĩ.
Khi được hỏi liệu Mỹ có đang thảo luận với các đồng minh về việc cùng tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh hay không, ông Price nói: "Đó là điều mà chúng tôi chắc chắn muốn thảo luận... Đó rõ ràng là điều mà chúng tôi hiểu rằng một cách tiếp cận phối hợp sẽ không chỉ vì lợi ích của chúng tôi, mà còn vì lợi ích của các đồng minh và đối tác".
Trên Twitter sau đó, ông Price cho biết Mỹ vẫn chưa đưa ra tuyên bố chính thức nào liên quan đến Thế vận hội mùa đông. "Năm 2022 vẫn còn xa, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục tham vấn chặt chẽ với các đồng minh và đối tác để xác định mối quan tâm chung của chúng tôi và thiết lập cách tiếp cận chung đối với Trung Quốc", ông viết.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đến nay vẫn để ngỏ khả năng việc tẩy chay Thế vận hội. Nhiều nhà hoạt động và chính trị gia Mỹ, bao gồm cựu ngoại trưởng Mike Pompeo, đã lên tiếng đòi kêu gọi Mỹ không tham gia sự kiện này. Tuy nhiên, Ủy ban Olympic Mỹ cho rằng việc này là bất công với các vận động viên, những người đã ra sức tập luyện để tham gia Thế vận hội.
Theo giới quan sát, Washington và các đồng minh có thể thúc đẩy tẩy chay ngoại giao, trong đó không đưa các quan chức đến dự Thế vận hội.
Lần cuối cùng Mỹ tẩy chay Thế vận hội Olympic là vào năm 1980 khi tổng thống Jimmy Carter không cho cử vận động viện đến Matxcơva (Nga) giữa lúc Chiến tranh lạnh căng thẳng. Nga đáp trả sau đó bằng việc tẩy chay Thế vận hội mùa hè ở Los Angeles (Mỹ) 4 năm sau đó.