Thông tin trên được ông Adeyemo đưa ra trong một cuộc phỏng vấn ngày 22/2. Theo đó, các biện pháp trừng phạt sẽ được thực hiện phối hợp với các quốc gia khác, sẽ nhằm vào tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga và các công ty ở các nước thứ ba đã tạo điều kiện cho Nga tiếp cận hàng hóa mà Nga cần. Biện pháp trừng phạt mới được áp dụng trong bối cảnh Mỹ tìm cách buộc Nga phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến ở Ukraine và cái chết của lãnh đạo phe đối lập Nga Alexei Navalny.
Ông Adeyemo nói: “Chúng tôi sẽ ban hành hàng trăm lệnh trừng phạt ngay tại Mỹ và… không chỉ có Mỹ thực hiện những hành động này”.
Gói này sẽ là gói trừng phạt mới nhất trong số hàng nghìn lệnh trừng phạt Nga mà Mỹ và các đồng minh công bố sau khi bùng phát xung đột ở Ukraine năm 2022.
Các lệnh trừng phạt mới được đưa ra khi Mỹ và các đồng minh tìm cách duy trì áp lực lên Nga, bất chấp những nghi ngờ về việc liệu Quốc hội Mỹ có phê duyệt khoản hỗ trợ an ninh bổ sung cho Ukraine hay không.
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã hết tiền chi cho Ukraine trong các gói trước đó và yêu cầu cấp thêm kinh phí đang mắc kẹt tại Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát.
Ông Adeyemo nói: “Các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu nhằm mục đích kìm hãm Nga, khiến họ gặp khó khăn hơn trong việc tham gia cuộc xung đột ở Ukraine. Nhưng cuối cùng, để thúc đẩy Ukraine tăng tốc, giúp họ có khả năng tự vệ, Quốc hội Mỹ cần phải hành động để cung cấp cho Ukraine những nguồn lực mà họ cần và vũ khí mà họ cần”.
Trong khi đó, ngày 22/2, Anh cũng đã công bố hơn 50 biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga trong bối cảnh đánh dấu 2 năm xảy ra xung đột Nga - Ukraine. Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Anh, những biện pháp trừng phạt nói trên nhắm vào 14 thực thể và cá nhân liên quan đến hoạt động sản xuất đạn dược và vũ khí như hệ thống phóng rocket, tên lửa và các loại chất nổ. Trong danh sách này có nhà máy sản xuất vũ khí Sverdlov của Nga, một công ty của Thổ Nhĩ Kỳ, 3 công ty của Trung Quốc và 2 thực thể ở Belarus.
Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt mới cũng nhằm vào các công ty điện tử và nhà kinh doanh kim cương và dầu mỏ của Nga. Cho đến nay, Anh đã áp đặt trừng phạt đối với tổng cộng 2.000 cá nhân, công ty và nhóm liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga tiến hành ở Ukraine.
Các chuyên gia cảnh báo rằng các biện pháp trừng phạt không đủ để ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga.
Ông Peter Harrell, cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, cho biết: “Những gì Quốc hội làm để thông qua viện trợ quân sự bổ sung cho Ukraine sẽ có ý nghĩa quan trọng hơn mọi điều gì khác mà họ có thể làm trên mặt trận trừng phạt”.
Hồi tháng 12/2023, Bộ Tài chính Mỹ cho biết nền kinh tế Nga đã bị ảnh hưởng do các lệnh trừng phạt, suy giảm 2,1% vào năm 2022.
Bà Rachel Lyngaas, nhà kinh tế phụ trách các lệnh trừng phạt, cho biết trên trang web của Bộ Tài chính Mỹ rằng nền kinh tế Nga giảm hơn 5% so với dự đoán trước đó.
Tuy nhiên, nền kinh tế Nga đã thể hiện tốt ngoài dự đoán khi vào tháng 1, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Nga có mức tăng trưởng GDP 2,6% cho năm 2024 - tăng 1,5 điểm phần trăm so với ước tính tháng 10/2023. Trước đó, kinh tế Nga đạt mức tăng trưởng vững chắc 3% vào năm 2023.