Đấu trường mới giữa các cường quốc
Vào năm 1957, vụ phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên mang tên Sputnik của Liên Xô đã châm ngòi cho một cuộc chạy đua chinh phục không gian giữa nước này với Mỹ. Trong khi Mỹ và Liên Xô mải miết ganh đua để giành ưu thế trong lĩnh vực mới này thì Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông thời điểm đó nói rằng: “Trung Quốc thậm chí không thể đưa một củ khoai tây vào không gian”.
Hơn 6 thập kỷ trôi qua, hiện nay, Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu mới trong công cuộc khám phá không gian như phóng vệ tinh, đưa con người lên trạm vũ trụ và đang lên kế hoạch xây dựng một căn cứ trên sao Hỏa.
Ông Christopher Newman – giáo sư về chính sách và luật không gian tại Đại học Northumbria của Anh cho biết: “Chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng 'Giấc mơ không gian” của Trung Quốc sẽ vượt qua tất cả các quốc gia và nước này sẽ trở thành cường quốc không gian dẫn đầu vào năm 2045. Điều này thúc đẩy tham vọng của Trung Quốc trở thành siêu cường khoa học và công nghệ duy nhất trên thế giới”.
Vào tháng 3/2021, Trung Quốc cho biết sẽ tập trung nghiên cứu về “nguồn gốc và sự tiến hóa của vũ trụ”. Sa'id Mosteshar, giám đốc viện luật và chính sách không gian nhận định: “Điều này rất quan trọng, không chỉ với Trung Quốc mà còn với Mỹ, bởi từ đó, họ có thể thúc đẩy sự phát triển công nghệ phục vụ cho an ninh quốc gia và kinh tế xã hội”.
Theo các chuyên gia, các hoạt động ngoài không gian có thể hỗ trợ cho các hoạt động quân sự trên Trái Đất. Hơn nữa, những thành tựu trong vũ trụ sẽ giúp các cường quốc nâng cao vị thế của mình.
Thông qua việc thám hiểm Mặt Trăng và sao Hỏa, “Trung Quốc và Mỹ sẽ chứng minh được sự phát triển vượt bậc về công nghệ đối với người dân trong nước và với thế giới, nâng cao uy tín trên trường quốc tế và mở rộng tầm ảnh hưởng”.
Tham vọng của Trung Quốc
Trung Quốc bắt đầu thực hiện chương trình khám phá không gian vào cuối những năm 1950, nhưng phải đến thời gian gần đây, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này mới đạt được những thành công lớn. Vào tháng 6/2020, Trung Quốc đã hoàn thành hệ thống định vị toàn cầu Bắc Đẩu (Beidou) - đối thủ của hệ thống định vị GPS do Mỹ phát triển.
Vào tháng 12/2020, tàu vũ trụ Hằng Nga của Trung Quốc đã mang theo các mẫu đá từ Mặt Trăng quay trở về Trái Đất để nghiên cứu. Tháng 5/2021, Trung Quốc đưa thành công 3 phi hành gia đầu tiên lên trạm vũ trụ Thiên Cung mà nước này đang xây dựng. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa con người lên vũ trụ kể từ năm 2016.
Trung Quốc hiện giờ đang để mắt đến công cuộc chính phục sao Hỏa. Bắc Kinh hy vọng sẽ đưa các phi hành gia đầu tiên của nước này lên Hành tinh Đỏ vào năm 2033, sau khi tàu thăm dò Thiên Vấn-1 và robot thám hiểm sao Hỏa tự hành đầu tiên của Trung Quốc - Chúc Dung hạ cánh thành công xuống bề mặt hành tinh này vào tháng 5/2021.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc nhiều lần nộp đơn xin cấp bằng sáng chế liên quan đến công nghệ vũ trụ trong bối cảnh nước này chuẩn bị thực hiện một số sứ mệnh không gian trong tương lai. CNBC dẫn thông tin từ GreyB - một công ty nghiên cứu bằng sáng chế cho biết, từ tháng 1/2000 đến tháng 6/2021, Trung Quốc đã nộp 6.634 đơn xin cấp bằng sáng chế liên quan đến lĩnh vực không gian vũ trụ, trong đó có bằng sáng chế về phương tiện và thiết bị. Nhưng 90% trong số này được đệ trình trong hơn 5 năm qua.
Căng thẳng Mỹ-Trung trong lĩnh vực không gian
Mỹ và Trung Quốc hiện đang cạnh tranh vị thế dẫn đầu trong các lĩnh vực từ phát triển chất bán dẫn đến trí tuệ nhân tạo. Không gian sẽ là một mặt trận mới trong cuộc cạnh tranh này, dù ở thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn là nước chiếm ưu thế.
Phát biểu với CNBC, ông Scott Pace, giám đốc Viện Chính sách Không gian tại Đại học George Washington cho biết: “Mỹ vẫn dẫn đầu trong tất cả các lĩnh vực liên quan đến không gian vũ trụ, nhưng Trung Quốc đang nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giữa hai bên”.
“Mỹ có chính sách thăm dò không gian mạnh mẽ, có định hướng rõ ràng, có các đồng minh cũng như đối tác đầy năng lực. Thách thức với Mỹ không phải là Trung Quốc sẽ tiến được bao xa, mà là Washington sẽ làm thế nào để thực hiện các kế hoạch của mình một cách tốt nhất và nhanh nhất”, ông Scott Pace nói.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, sự khác biệt về chính trị ngày càng lớn giữa Mỹ và Trung Quốc có thể lan sang lĩnh vực vũ trụ. Năm 2020, hai bên đã bất đồng về ký kết Hiệp định Artemis – một thỏa thuận do NASA dẫn đầu nhằm tạo ra các quy tắc khám phá không gian một cách công bằng và có trách nhiệm. Mỹ, Australia, Canada, Italy, Nhật Bản, Luxembourg, Ukraina, Anh và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đều ký kết Hiệp định, riêng Trung Quốc từ chối.
Ông Christopher Newman, Giáo sư luật và chính sách vũ trụ tại Đại học Northumbria ở Mỹ cho biết, tình hình địa chính trị có thể chi phối các hoạt động trong không gian và gây ra nhiều rủi ro. “Sự bất đồng chính trị khiến các bên ngày càng khó đạt được một thỏa thuận cần thiết để giải quyết các vấn đề như mảnh vỡ không gian, quản lý giao thông trong không gian và khai thác các nguồn tài nguyên ngoài Trái Đất”, chuyên gia này nhấn mạnh./.