Báo cáo cho thấy năm 2023 có hơn 3.100 hộ xảy ra bạo lực gia đình với hơn 3.200 vụ (năm 2002 hơn 4.400 vụ). Trong đó, bạo lực thân thể xảy ra nhiều nhất với 1.520 vụ, tiếp đến là bạo lực tinh thần 1.400 vụ, bạo lực kinh tế 230 vụ và bạo lực tình dục 110 vụ.
Trong gần 3.200 nạn nhân của bạo lực gia đình thì nữ là 2.600, nam 565. So với 2022, số vụ và số nạn nhân của bạo lực gia đình đều giảm, song tỷ lệ nạn nhân là nam giới có dấu hiệu tăng so với năm trước. Gần 3.000 người có hành vi bạo lực gia đình đã bị góp ý, phê bình, xử phạt hành chính và 129 người bị xử lý hình sự.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng trên thực tế, nhiều người bị bạo lực có tâm lý cam chịu, sợ bị kỳ thị nên không đi báo cáo. Đa số họ cho rằng đó là "chuyện bình thường, xấu chàng hổ ai".
Phần lớn người bị bạo lực chỉ đi báo cáo và tìm sự hỗ trợ của nhà chức trách khi vụ việc nghiêm trọng, bạo lực xảy ra trong thời gian dài hoặc có thể dẫn đến chấm dứt hôn nhân. Thực trạng này gây khó khăn cho việc thống kê số liệu cũng như triển khai các giải pháp can thiệp và ứng phó với bạo lực.
Theo Luật phòng chống bạo lực gia đình, các hành vi bị coi là bạo lực gia đình gồm hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa đến sức khỏe, tính mạng; lăng mạ, chì chiết hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm; kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới, giới tính; cưỡng ép quan hệ tình dục trái phép...
Còn tư tưởng trọng nam khinh nữ
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho hay, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn chưa giảm gây ảnh hưởng lâu dài đến cơ cấu dân số Việt Nam. Hơn nữa, điều này còn dẫn tới những hậu quả về xã hội và nhân khẩu học, gây bất bình đẳng giới.
Tỷ số giới tính khi sinh ra sống năm 2023 vẫn như hai năm trước đó là 112 bé trai/100 bé gái. Thực trạng này xảy ra một phần do nhiều khuôn mẫu định kiến giới về vai trò, vị trí của nam giới và nữ giới trong lao động, gia đình. Đặc biệt, tư tưởng thích con trai hơn con gái vẫn còn tồn tại.
Ngoài những hạn chế nêu trên, bình đẳng giới đã có nhiều tích cực như phụ nữ tham gia ngày càng nhiều hơn vào quá trình hoạch định chính sách và đảm nhiệm vị trí lãnh đạo quan trọng trong hệ thống chính trị. Hiện có 4 nữ Bộ trưởng, 13 nữ Thứ trưởng và tương đương. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa 15 đạt 30,2%, lần đầu tiên vượt trên 30% trong 45 năm gần đây.
Thu nhập của lao động nữ cũng được cải thiện, bình quân năm 2023 là 6 triệu đồng/tháng, tăng 400.000 đồng so với năm 2022 và tăng 1,1 triệu đồng so với năm 2019.