Năm học 2024-2025: Đảm bảo 'có học sinh phải có giáo viên đứng lớp'
Chia sẻ:
19/08/2024 - 15:05:00
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025, tính đến tháng 4/2024, cả nước đã tuyển dụng được 19.474 giáo viên, trong tổng số 27.826 biên chế được bổ sung, góp phần phát triển đội ngũ nhà giáo và khắc phục dần những bất cập về cơ cấu.
Bước sang năm học mới, một trong những nhiệm vụ trọng tâm tiếp tục được ngành Giáo dục - Đào tạo đề ra là phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm đủ số lượng và nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo.
Tăng hơn 17.000 giáo viên mầm non, phổ thông
Sau khi Bộ Chính trị bổ sung 65.980 biên chế giai đoạn 2022-2026 cho ngành giáo dục (năm học 2022-2023 bổ sung 27.850 biên chế và năm học 2023- 2024 bổ sung 27.826 biên chế), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Nội vụ hướng dẫn địa phương thực hiện việc tuyển dụng và quản lý, sử dụng số biên chế được giao; đồng thời, đổi mới quy trình giao biên chế và tổ chức tuyển dụng giáo viên của các địa phương bảo đảm tuyển dụng kịp thời số biên chế được giao chưa sử dụng.
Tính đến hết năm học 2023- 2024, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông là 1.251.377 giáo viên mầm non, phổ thông (tăng 17.253 giáo viên so với năm học 2022 - 2023) và 99.412 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông (giảm 723 cán bộ quản lý so với năm học 2022 - 2023).
Nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn, bất cập trong tuyển dụng giáo viên dạy các môn học mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng và Chính phủ lập đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Bộ đã ban hành Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng quy định thang bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo và phụ cấp ưu đãi theo nghề (nếu có) đối với viên chức chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập (trong đó có đội ngũ giáo viên phổ thông, mầm non). Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai nghiên cứu chế độ phụ cấp ưu đãi viên chức ngành giáo dục và thực hiện rà soát, nghiên cứu đề xuất chính sách về chế độ tiền lương đối với viên chức các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú ở khu vực miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Về chất lượng đội ngũ, tính đến hết năm học 2023-2024, tỷ lệ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đạt chuẩn được đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 của mầm non là 89,3%, Tiểu học là 89,9%, Trung học Cơ sở 93,8%, Trung học Phổ thông 99,9%. So với năm học 2022-2023, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 ở cấp mầm non tăng thêm 1,9%, cấp Tiểu học tăng thêm 5,5%, cấp Trung học Cơ sở tăng thêm 2,9%.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong năm học 2023-2024, tình trạng thiếu giáo viên cục bộ vẫn còn tồn tại ở hầu hết các địa phương, chậm được khắc phục, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện chương trình và kế hoạch dạy học.
Tính đến tháng 4/2024, cả nước còn thiếu 113.491 giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông. Cơ cấu đội ngũ nhà giáo còn mất cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau; chỉ tiêu phân bổ giáo viên cho các địa phương đa số thấp hơn so với nhu cầu thực tế. Tỷ lệ giáo viên/lớp ở các cấp học đều thấp hơn định mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do sức hút vào ngành còn hạn chế; tình trạng giáo viên nghỉ việc vẫn còn cao. Nguồn tuyển giáo viên một số môn học đặc thù còn thiếu, việc tuyển dụng của các địa phương còn chậm, hiện còn khoảng 72.000 biên chế được giao chưa tuyển dụng. Cùng với đó, số lớp học tăng do số lượng học sinh tăng dẫn đến nhu cầu giáo viên tăng; công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu giáo viên từ cấp chiến lược đến các địa phương chưa sát, không theo kịp thực tế; biến động dân số, dịch chuyển lao động giữa các vùng miền với số lượng lớn và không có quy luật…
Phát triển đội ngũ giáo viên đủ số lượng, nâng cao chất lượng
Nêu thực trạng tại tỉnh Điện Biên, ông Vừ A Bằng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết: Đội ngũ giáo viên còn thiếu khá nhiều so với định mức quy định; thiếu nguồn tuyển giáo viên các môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật. Đội ngũ có biến động khá lớn mỗi khi kết thúc năm học do giáo viên chuyển công tác về miền xuôi. Tình trạng thiếu giáo viên gây áp lực khá lớn đối với các thầy cô do phải dạy tăng giờ, dạy liên cấp, liên trường.
Do đó, tỉnh Điện Biên đề xuất giải pháp không thực hiện cắt giảm số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước đối với các tỉnh còn nhiều khó khăn và bố trí đủ giáo viên hưởng lương từ ngân sách theo định mức đối với các tỉnh này. Đồng thời, giao tăng chỉ tiêu đào tạo giáo viên các môn chuyên biệt như Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật và giáo viên Tiểu học cho các cơ sở đào tạo giáo viên để đáp ứng nhu cầu nguồn tuyển giáo viên cho các địa phương; áp dụng chính sách thu hút giáo viên trong toàn bộ thời gian công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn…
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cũng nêu khó khăn về biên chế giáo viên khi quy mô tăng, dẫn đến số biên chế thiếu. Từ đó, kiến nghị Chính phủ rà soát đánh giá lại việc bổ sung biên chế giáo viên cho phù hợp với thực tiễn.
Bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Hiện nay, nhóm giáo viên các môn Tin học, Tiếng Anh, Mỹ thuật, Âm nhạc rất khó tuyển dụng do lương quá thấp. Với điều kiện mặt bằng lương trung bình tại Thành phố Hồ Chí Minh như hiện nay, giáo viên các khối ngành này không thể tuyển được và cũng không thể đề xuất với HĐND Thành phố Hồ Chí Minh cơ chế, chính sách về tài chính, hỗ trợ riêng như cách HĐND có cơ chế, chính sách riêng cho giáo viên mầm non. Vì vậy, Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, tham mưu Chính phủ tháo gỡ khó khăn về cơ chế tài chính, tạo điều kiện cho các tỉnh, thành phố xây dựng cơ chế đặc thù để tuyển dụng các giáo viên Tin học, Tiếng Anh, Mỹ thuật, Âm nhạc.
Theo Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, vấn đề được coi là điểm nghẽn cơ bản nhất của giáo dục hiện nay cần giải quyết là chất lượng đội ngũ giáo viên. Thế hệ học sinh đang đào tạo là thế hệ gen Z. Thế hệ này “tắm mình” trong công nghệ, “ăn” công nghệ, “ngủ” công nghệ, thậm chí sinh ra từ “công nghệ”. Vì vậy, giáo viên phải nắm bắt được các đặc điểm của thế hệ học sinh này, để đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy cho phù hợp. Muốn nâng cao chất lượng giáo dục phải nâng cao chất lượng đội ngũ, vì người thầy chính là “chìa khóa”. Đây là bài toán khó, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương phải cùng vào cuộc.
Bước sang năm học 2024-2025, ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đề ra phương hướng phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm đủ số lượng và nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Các địa phương cần triển khai tuyển dụng, quản lý, sử dụng hiệu quả chỉ tiêu biên chế giáo viên được giao tại Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, giáo viên dạy các môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Các tỉnh, thành phố cần thực hiện tốt công tác xác định nhu cầu, triển khai đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ, bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, Tiểu học, Trung học Cơ sở; chú trọng triển khai bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy đáp ứng yêu cầu chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông và thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.