Nan giải chuyện 'đốt đồng'06/05/2024 - 14:47:00 Dù biết việc đốt rơm rạ trên đồng ruộng là không có lợi cho đất sản xuất và gây tác động xấu đến môi trường, song, nhiều người dân cho rằng, họ phải làm vậy mới kịp tiến độ sản xuất vụ Hè Thu.
Đầu tháng 5, tại tỉnh Quảng Trị vẫn có tình trạng người dân đốt rơm rạ ngay trên đồng ruộng sau khi thu hoạch lúa vụ Đông Xuân. Ông Lê Quang T. (trú tại thôn Ngô Xá Đông, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong) cho biết, vụ này gia đình ông sản xuất 1,5 mẫu lúa (7.500 m2). Toàn bộ rơm rạ sau khi thu hoạch được ông T. đốt ngay trên thửa ruộng của gia đình. Tương tự, các ông Nguyễn Chơn T., Lê H. (cùng trú tại thôn Ngô Xá Đông) cũng đốt hết toàn bộ rơm rạ sau khi thu hoạch lúa vụ Đông Xuân 2023-2024, với lời giải thích phải làm vậy để kịp tiến độ sản xuất lúa vụ Hè Thu. Trước đây rơm rạ sẽ được thu gom, tích trữ để phục vụ chăn nuôi, làm chất đốt nhưng hiện nay người dân không có nhu cầu này nữa. Và, để kịp thời sản xuất vụ Hè Thu, họ bắt buộc phải đốt rơm rạ ngay trên thửa ruộng của gia đình mình. Ông Phan Văn Tiệm - Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Trung cho biết, theo quy định, người dân không được đốt rơm rạ trên đồng ruộng vì như vậy sẽ tiêu diệt hệ thống vi sinh vật có lợi cho đất, đồng thời phát ra khí thải, gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Chính quyền địa phương đã nhiều lần khuyến cáo người dân về vấn đề này nhưng tình trạng trên vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Ông Tiệm diễn giải, ngày 3/5, hơn 400ha lúa trên địa bàn toàn xã sẽ được thu hoạch xong, tiếp đó, theo kế hoạch, ngày 15/5 người dân sẽ tiến hành gieo sạ, sản xuất lúa vụ Hè Thu. Khoảng cách giữa 2 vụ có khi chưa đầy 10 ngày, do đó, người dân phải đốt rơm rạ để làm đất, gieo sạ đúng kế hoạch. “Nếu để rơm rạ còn trên đồng ruộng, máy cày chỉ chạy được khoảng 50m là phải dừng lại ngay vì rơm rạ sẽ quấn vào trục. Mấy năm trước còn có đơn vị về thu mua rơm khô với giá 20 nghìn đồng/sào (500 m2 - PV) nhưng năm nay không thấy ai về mua” - ông Tiệm nói và cho rằng, thực trạng này không chỉ diễn ra tại xã Triệu Trung mà còn xuất hiện ở cả những vùng lân cận. Việc thực trạng này diễn ra phổ biến khiến chính quyền địa phương “khó xử” khi áp dụng các chế tài để xử lý. Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) huyện Triệu Phong Trần Thiện Nhân cho rằng, những lý do giải thích cho hành động đốt rơm rạ trên đồng ruộng của người dân như trên là chưa hợp lý. Đồng thời, chính quyền địa phương cần áp dụng các biện pháp, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm để khắc phục tình trạng này. Còn theo bà Nguyễn Hồng Phương - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị, đơn vị luôn phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng có liên quan khuyến cáo người dân không đốt rơm rạ hay đốt thực bì sau khi thu hoạch nông sản để hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững. Bà Phương thông tin, tỉnh Quảng Trị thường vào mùa mưa lụt sớm nên bắt buộc việc sản xuất nông nghiệp phải thực hiện nghiêm túc theo khung thời vụ đã đề ra. Đối với sản xuất lúa vụ Hè, vùng đồng bằng, thấp trũng nếu không thu hoạch trước 30/8, nguy cơ mất trắng sẽ rất cao vì Quảng Trị bước vào mùa mưa lụt sớm, nhất là những năm trở lại đây thường có hiện tượng mưa lũ bất thường. Tuy nhiên, bà Phương cũng nhấn mạnh không thể lấy lý do khung thời vụ để biện hộ cho hành động đốt rơm rạ trên đồng ruộng sau khi thu hoạch lúa vụ Đông Xuân. Bởi lẽ, hiện nay có nhiều công ty trong và ngoài tỉnh đến Quảng Trị thu mua rơm rạ về phục vụ hoạt động sản xuất của họ. Thêm nữa, từ năm 2018, ngành Nông nghiệp tỉnh Quảng Trị đã có khuyến cáo, hướng dẫn người dân sử dụng chế phẩm vi sinh để đẩy nhanh quá trình tiêu hủy rơm rạ. Chi phí mua chế phẩm này ước tính khoảng vài chục nghìn đồng/1 sào (500 m2). “Chế phẩm vi sinh không độc hại. 5 - 7 ngày sau khi phun chế phẩm là rơm rạ tiêu hủy hoàn toàn. Sau khi tiêu hủy còn sinh ra, bổ sung cho đất một lượng lớn chất dinh dưỡng, có lợi cho quá trình sản xuất tiếp theo” - bà Phương nói.
Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|