Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 24,23 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Với những tín hiệu tốt về xuất khẩu nông lâm thủy sản thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đưa ra mục tiêu mới trong năm nay đạt khoảng 45 tỷ USD, cao hơn so với chỉ tiêu Chính phủ giao 3 tỷ USD.
Đóng góp vào thành công xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm có những mặt hàng với kim ngạch xuất khẩu tăng cao như: cao su, chè, hồ tiêu, hạt điều, rau quả, sắn và sản phẩm từ sắn, gỗ và sản phẩm gỗ, mây, tre, cói thảm…
Điển hình như cao su tăng 41,3% khối lượng và tăng 80% giá trị; hạt điều tăng 22,2% về khối lượng và tăng 11,1% về giá trị; sắn và sản phẩm từ sắn có sản lượng tăng 16,3%, giá trị tăng 30,5%.
Riêng mặt hàng hồ tiêu dù khối lượng xuất khẩu giảm 6,7%, nhưng nhờ giá xuất khẩu tăng nên giá trị xuất khẩu vẫn tăng 40,5% và đạt 499 triệu USD.
Những mặt hàng khác tăng giá trị chủ yếu nhờ khối lượng như: gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,1 tỷ USD, tăng gần 75%; mây, tre, cói thảm đạt khoảng 447 triệu USD, tăng gần 79%; tôm đạt 1,66 tỷ USD, tăng 8,5%.
Đánh giá về sự tăng trưởng của nhóm sản phẩm rau quả, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết sự tăng trưởng này chủ yếu là nhờ vào sự tăng trưởng trong xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Bởi đây vẫn là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam, chiếm trên 60% tổng giá trị xuất khẩu rau quả. Tuy có sự tăng trưởng tốt nhưng mức tăng này vẫn không bằng so với trước khi có dịch COVID-19.
Về thị trường xuất khẩu, có 4 thị trường là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc nhập khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam; trong đó 2 thị trường lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc. Đây cũng là hai thị trường duy trì sự tăng trưởng tốt trong thời gian.
Riêng với thị trường Trung Quốc, trong nửa đầu năm nay, việc xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới gặp nhiều áp lực, đặc biệt là đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 trong nước trùng với thời điểm mùa vụ thu hoạch các nông sản chính.
Tuy nhiên, với những kinh nghiệm qua các đợt dịch trước, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động và có nhiều sáng kiến trong thúc đẩy lưu thông hàng hóa vừa đảm bảo tiêu thụ nông sản, vừa đảm bảo phòng tránh dịch. Bởi vậy, tình hình tiêu thụ tại các cửa khẩu như Lào Cai, Lạng Sơn tương đối tốt, không có sự ùn ứ cục bộ lớn.
Kinh tế thế giới được dự báo có nhiều khởi sắc, thương mại hàng hóa toàn cầu có xu hướng phục hồi cao hơn so với trước đại dịch do nhiều quốc gia triển khai nhanh việc tiêm vaccine.
Cùng với những tín hiệu tốt về xuất khẩu nông lâm thủy sản thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đưa ra mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành năm 2021 đạt khoảng 45 tỷ USD, cao hơn so với Chính phủ giao 3 tỷ USD.
Để thực hiện thành công mục tiêu này, ngành nông nghiệp sẽ thực hiện các giải pháp tác động vào các sản phẩm chủ lực xuất khẩu có triển vọng và khả năng tăng giá trị xuất khẩu cao trên cơ sở tận dụng hiệu quả cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định Thương mại Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để tháo gỡ rào cản và thâm nhập thị trường mới.
Đồng thời, ngành sẽ mở rộng thị trường nông sản sang những nền kinh tế có cơ cấu sản phẩm bổ sung với Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Liên minh châu Âu hay Trung Đông; lựa chọn và đưa các sản phẩm phù hợp vào các thị trường tiềm năng như: Nga, Trung Đông, châu Phi, ASEAN...
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho biết ngành tiếp tục đàm phán để tháo gỡ rào cản thương mại và rào cản kỹ thuật của các nước đối với hàng hóa nông sản xuất khẩu của Việt Nam.
Đối với thị trường Mỹ sẽ theo dõi sát sao và có phương án kịp thời liên quan áp dụng Luật Farm Bill trong thủy sản, nguồn gốc hợp pháp gỗ và sản phẩm gỗ, điều tra chống bán phá giá đối với mật ong...; cùng với đó là tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông sản hai bên.
Với thị trường Trung Quốc là đẩy nhanh tiến độ đàm phán mở cửa xuất khẩu chính ngạch các nông sản có giá trị và tiềm năng xuất khẩu như: khoai lang, sầu riêng, ớt, chanh leo, bưởi, dừa..; không để ứ đọng hàng hóa tại các cửa khẩu xuất khẩu. Quyết liệt tháo gỡ vướng mắc liên quan đến vấn đề thẻ vàng đối với hàng thủy sản nhập khẩu vào EU. Ngành tháo gỡ các khó khăn kỹ thuật, các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động vật (SPS) đối với xuất khẩu thủy sản sang thị trường Saudi Arabia, Brazil.
Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Việt Nam tiếp tục có lợi thế canh tranh trong xuất khẩu nông lâm thủy sản. So với các quốc gia có nền nông nghiệp tương đồng như Việt Nam thì Việt Nam vẫn có lợi thế về tổ chức sản xuất tốt, các hiệp định thương mại, cũng như trong việc tiếp cận mở cửa thị trường.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch COVID-19, giá thành sản xuất sẽ tăng lên, chi phí logistics cao. Các thị trường xuất khẩu tiếp tục có những rào cản mới. Bởi vậy, đơn vị tiếp tục chủ động cung cấp thông tin về thị trường nhập khẩu, xử lý ngay các vướng mắc về thị trường nếu có.
Nhằm thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm từ chăn nuôi, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, cho biết Cục tiếp tục đàm phán với các nước liên quan đến việc xuất khẩu sản phẩm động vật. Đồng thời, đề nghị tổ chức Thú y Thế giới (OIE) hỗ trợ Việt Nam xây dựng và công nhận Chương trình quốc gia phòng chống bệnh lở mồm long móng; xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của OIE./.