Nắng nóng cực đoan đang tấn công miền tây nước Mỹ và Canada những ngày gần đây. Hiện tượng "vòm nhiệt" đẩy nhiệt độ tăng lên gần 50 độ C ở Canada, khiến hàng trăm người thiệt mạng vì sốc nhiệt, đường dây điện bị nóng chảy, mặt đường nứt toác và thổi bùng các đám cháy rừng.
Vùng tây bắc nước Mỹ cũng đang chịu tình cảnh tương tự. Nắng nóng buộc hàng loạt trường học và doanh nghiệp đóng cửa. Các điểm xét nghiệm Covid-19 và tiêm chủng lưu động phải ngừng hoạt động.
Theo giới chuyên gia, khi cuộc khủng hoảng khí hậu đẩy nhiệt độ toàn cầu lên cao hơn, tất cả các khu vực, từ Siberia đến châu Âu, từ châu Á đến Australia, đều phải chuẩn bị sẵn sàng cho những hiện tượng thời tiết ngày càng khắc nghiệt.
"Không có bất kỳ nơi nào an toàn trước hiện tượng nắng nóng khắc nghiệt như những gì đang diễn ra ở Canada và Mỹ", David King, cựu cố vấn khoa học cho chính phủ Anh, nhận xét.
Theo ông, các nhà khoa học từ nhiều thập kỷ qua đã cảnh báo về những hiện tượng thời tiết cực đoan và đến hiện tại, thời gian để hành động thực sự không còn nhiều. "Chúng ta đều hiểu rõ về những rủi ro nhưng không hành động. Giờ đây, chúng ta chỉ còn một khung thời gian rất hẹp cho nỗ lực giải quyết vấn đề", King nói.
Tại Canada, giới chuyên gia đã bị sốc trước các bước gia tăng nhiệt độ quá nhanh. Hôm 26/9, nhiệt độ đạt mức 49,6 độ C ở thị trấn Lytton, bang British Columbia, phá vỡ kỷ lục quốc gia ngày thứ ba liên tiếp.
Ở bờ tây nước Mỹ, Seattle và Portland cũng ghi nhận những ngày nắng nóng đặc biệt liên tiếp. Giới chức địa phương cho biết họ đang điều tra về hàng chục ca tử vong ở Washington và Oregon, có thể do nhiệt độ quá cao.
Michael E Mann, giáo sư về khoa học khí quyển tại Đại học bang Pennsylvania, cho hay khi Trái Đất nóng lên, những hiện tượng thời tiết nguy hiểm như vậy sẽ càng trở nên phổ biến.
"Chúng ta nên nghiêm túc nhìn nhận vấn đề này... Ta làm nóng Trái Đất và rồi ta sẽ chứng kiến mức nhiệt cực đoan ngày càng tăng", ông nói.
Mann cho biết khí hậu toàn cầu đang bị mất ổn định một phần do sự ấm lên đáng kể ở Bắc Cực, thêm rằng những mô hình khí hậu hiện nay không nắm bắt được quy mô của những gì đang xảy ra.
"Các mô hình khí hậu thực tế đang đánh giá thấp tác động của biến đổi khí hậu đối với những sự kiện như đợt nắng nóng chưa từng có mà chúng ta đang chứng kiến", ông lưu ý.
Hôm 1/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng khủng hoảng khí hậu đã dẫn tới đợt nắng nóng kỷ lục ở phía tây Mỹ và Canada. Cơ quan Dự báo Thời tiết Quốc gia Mỹ cho biết nhiệt độ đã đạt đỉnh 42,2 độ C ở Spokane, Washington.
Tại British Columbia, ít nhất 486 ca đột tử được báo cáo chỉ trong 5 ngày của đợt nắng nóng. Theo nhà chức trách, trong điều kiện bình thường, trung bình số ca đột tử là 165. Điều này cho thấy hơn 300 ca tử vong có thể do nắng nóng.
"Mặc dù còn quá sớm để xác định chắc chắn bao nhiêu ca tử vong trong số đó liên quan đến nắng nóng, không ít người cho rằng hiện tượng gia tăng đáng kể số người chết là do tình trạng thời tiết khắc nghiệt mà chúng ta đang trải qua", Lisa Lapointe, trưởng ban điều tra những vụ chết bất thường của vùng British Colombia, cho biết.
Theo bà, các con số hiện nay mới chỉ là thống kê sơ bộ và sẽ tăng lên khi nhân viên điều tra ở các cộng đồng trên toàn khu vực nhập báo cáo tử vong họ thu thập được lên hệ thống.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau nhấn mạnh việc nhiệt độ tăng mạnh ở khu vực vốn thường không bị nắng nóng của đất nước là tín hiệu cảnh báo rõ ràng về tính cấp bách của nhiệm vụ giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu.
"Tôi đã làm cảnh sát 15 năm nhưng chưa bao giờ chứng kiến nhiều ca đột tử trong thời gian ngắn như vậy", cảnh sát Steve Addison cho hay.
Các nhà khoa học cho rằng quy mô của đợt nắng nóng ở Mỹ và Canada nên là "chuông cảnh tỉnh" đối với những nhà hoạt động chính sách, chính trị gia và các cộng đồng dân cư trên khắp thế giới.
"Các đợt nắng nóng trên toàn cầu đang gia tăng nhanh đến mức nó có thể tạo ra những hình thái thời tiết và khí hậu chưa từng thấy", giáo sư Peter Stott từ cơ quan dự báo thời tiết Anh Met Office, nhận định.
Giáo sư Simon Lewis từ Đại học Hoàng gia London mô tả tình hình thời tiết hiện nay là "đáng sợ", cảnh báo các hiện tượng nắng nóng cực đoan sẽ ảnh hưởng tới tất cả mọi thứ, từ giá thực phẩm đến nguồn điện.
"Mọi người ở khắp mọi nơi sẽ phải suy nghĩ về cách ứng phó với những điều kiện thời tiết mới này và các hiện tượng cực đoan đi kèm với khí hậu mới mà chúng ta đang tạo ra. Điều đó có nghĩa tất cả chúng ta cần phải lên kế hoạch", ông cho biết.
Theo Lewis, điều quan trọng là các nhà hoạch định chính sách phải chú ý đến những tín hiệu cảnh báo và đẩy mạnh các kế hoạch ngăn phát thải nhiên liệu hóa thạch, đồng thời chuẩn bị phương án để đương đầu với những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hơn.
"Đây là một lời cảnh báo trên hai phương diện", Lewis nói. "Chúng ta phải giảm lượng khí thải xuống mức 0 nhanh chóng nhằm cắt đứt các chuỗi nắng nóng cực đoan mới và ta phải thích nghi với những điều kiện khí hậu mới mà chính mình đã tạo ra".