Tại Tổ 14 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Hải Dương, Khánh Hòa, Đồng Tháp), các đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự chuẩn bị dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) và các vấn đề báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội đã nêu.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh 4 nội dung cần chú ý đối với dự thảo Luật này.
Một là, cần hiểu rõ những điểm khác của tổ chức công đoàn Việt Nam với các tổ chức chính trị xã hội khác trong hệ thống chính trị nước ta.
Cụ thể, theo Tổng Thư ký Quốc hội, điểm khác thứ nhất, đây là tổ chức cho dù thể chế chính trị nào cũng đều phải có để đại diện bảo vệ cho người lao động. Điểm thứ hai, kinh phí của tổ chức công đoàn không do ngân sách nhà nước bảo đảm như các tổ chức khác nên lương của cán bộ công đoàn do công đoàn chi trả theo luật định; đồng thời, nguyên tắc độc lập của công đoàn để bảo đảm bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Điểm thứ ba, hiện nay công đoàn chịu sự cạnh tranh trong việc tập hợp người lao động đến với tổ chức mình mà các tổ chức khác không có hiện tượng này, bởi nếu không sẽ khó bảo đảm duy trì hoạt động cho hệ thống và không hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng giao cho. Điểm thứ tư, hệ thống tổ chức chính trị xã hội khác được bố trí theo địa bàn hành chính và đến khu dân cư còn tổ chức công đoàn phân bổ theo cơ quan, doanh nghiệp.
Hai là, về cán bộ công đoàn chuyên trách và người làm việc theo hợp đồng lao động trong các cơ quan chuyên trách của công đoàn và công đoàn cơ sở. Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, theo quy định của Đảng, biên chế của cán bộ công đoàn ở cấp Trung ương do Ban Tổ chức Trung ương quyết định; ở địa phương thì Ban Tổ chức Tỉnh ủy quyết định; cấp huyện thì Ban Tổ chức huyện ủy quyết định. Đồng thời, có quy định số lượng cán bộ của các đoàn thể quy định ở các địa bàn.
Hiện nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang đề nghị cho tự quyết định số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách và người làm việc theo hợp đồng lao động trong các cơ quan chuyên trách của công đoàn, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.
"Đây là đề xuất xác đáng", Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh, đồng thời cũng cho rằng, trước khi phân bổ thì cần báo cáo với Ban Tổ chức Trung ương để báo cáo Bộ Chính trị.
Đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, theo Tổng Thư ký Quốc hội, cũng sẽ tránh được câu chuyện “cào bằng”. Ví dụ, các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên có số lượng người lao động vô cùng lớn thì số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách không thể giống như của các tỉnh Điện Biên, Lai Châu. "Do đó, cần có con số tổng” để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có cơ sở xem xét cụ thể, phân bổ sẽ hợp lý hơn", Tổng Thư ký Quốc hội nói.
Về gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp (Điều 6), Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng rất phù hợp và cần có quy định về vấn đề này.
Ba là, về kinh phí công đoàn và phương án phân bổ kinh phí. Hiện nay, kinh phí công đoàn theo quy định là 2%. Thời gian qua, nhất là khi có dịch Covid-19, có ý kiến đề xuất giảm mức đóng. Tuy nhiên, việc duy trì mức đóng này mấy chục năm qua đã tương đối ổn định, bảo đảm nguồn lực để công đoàn thu hút, tập hợp đông đảo người lao động. Qua xem xét phương án phân bổ nguồn kinh phí công đoàn cũng cho thấy đã được tính toán rất hợp lý, trên cơ sở số người lao động tham gia vào tổ chức.
Bốn là, về quy định quyền giám sát của tổ chức công đoàn. Đây là nội dung còn ý kiến khác nhau, song Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng, quy định này là phù hợp, bởi nếu không quy định trong luật thì công đoàn không tự mình tổ chức được các đoàn giám sát, nhất là giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật trong các doanh nghiệp, bảo đảm cho người lao động được bảo vệ tốt nhất. Nếu Công đoàn tổ chức cùng với các ngành, tổ chức khác để thực hiện thì rất khó khăn, phức tạp.
Đối với các nội dung khác, Tổng Thư ký Quốc hội đánh giá dự thảo Luật đã thiết kế tương đối hợp lý, nhưng một số nội dung về kỹ thuật văn bản vẫn cần tiếp tục hoàn thiện cho chặt chẽ.