Nên xem xét lại một số môn tự chọn khác trong chương trình GDPT 201818/05/2022 - 09:15:00 Học sinh lớp 10 còn nhỏ chưa có định hướng rõ ràng nên các em chọn tổ hợp môn tự chọn sai thì rất khó được xét tuyển vào các trường đại học yêu thích.Chương trình giáo dục phổ thông mới xuất hiện 108 tổ hợp môn tự chọn, nếu không có giải pháp phù hợp hoặc thay đổi thì nguy cơ “vỡ trận” nhãn tiền. Môn Lịch sử thành môn tự chọn cũng nhận được rất nhiều phản ứng trái chiều, đa số phản đối. Ngày 12/5, trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam và hàng loạt tờ báo khác có đăng tải thông tin "Bộ Giáo dục sẽ cân nhắc ý kiến của các chuyên gia đối với môn Lịch sử" nhận được sự quan tâm rất lớn của giáo giới, phụ huynh và học sinh cả nước. Tuy có phần muộn, nhưng phát biểu của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho thấy tinh thần làm việc hết sức có trách nhiệm, cầu thị, các chuyên gia và giáo viên mong rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhanh chóng có phương án phù hợp trong thời gian tới vì thời gian triển khai chương trình mới còn không nhiều.
Nhiều ý kiến đề xuất môn Lịch sử là môn bắt buộc Môn Lịch sử giúp chúng ta hiểu con người và xã hội, giúp chúng ta hiểu sự thay đổi và xã hội, cung cấp chất liệu cho việc chiêm nghiệm luân lý đạo đức, kể các câu chuyện đất nước, nhấn mạnh các đặc điểm riêng biệt mà đất nước trải qua, giúp thúc đẩy sự hiểu biết về các giá trị quốc gia và cam kết lòng trung thành với tổ quốc, học lịch sử là cần thiết để trở thành người công dân tốt,... là các lý do phổ biến nhất cho việc đưa lịch sử vào chương trình dạy học và tại sao khi nó là môn tự chọn thì gặp nhiều phản ứng tiêu cực của nhiều người, chuyên gia, nhà sử học. Trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã có nhiều bài viết phân tích rất sắc sảo của các tác giả về hệ lụy khi đưa môn Lịch sử thành môn tự chọn như: Chương trình từ trung cấp đến đại học, nhiều học phần liên quan Lịch sử Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ áp dụng cho bậc trung học phổ thông từ năm học 2022-2023 gồm 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương. 5 môn học tự chọn được chọn từ 3 nhóm môn học (mỗi nhóm có ít nhất 1 môn, đó là nhóm môn Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật); nhóm môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật). Nếu học sinh không chọn học môn Lịch sử suốt thời gian học bậc trung học phổ thông thì các em sẽ rất vất vả trong quá trình học đại học (hoặc cao đẳng hay trung cấp) vì trong các chương trình học đại học sẽ có những môn đại cương gắn với môn Lịch sử như: Triết học, Lịch sử chính trị, Chủ nghĩa xã hội, Lịch sử Đảng, Pháp luật đại cương,… Bên cạnh đó, do học sinh lớp 10 còn nhỏ chưa có định hướng rõ ràng nên các em chọn tổ hợp môn tự chọn sai thì rất khó được xét tuyển vào các trường đại học yêu thích. Ví dụ một học sinh ngoài học các môn bắt buộc, chọn thêm 5 môn Vật lý, Hóa học, Địa lý, Công nghệ và Nghệ thuật thì sẽ khó có thể xét tuyển vào các ngành sư phạm Hóa học (tổ hợp xét tuyển có thể là Toán, Hóa học, Sinh học), sư phạm Địa lý (tổ hợp xét tuyển có thể là Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý) hoặc khó có cơ hội thành bác sĩ (tổ hợp xét tuyển có thể là Toán, Hóa học, Sinh học), cũng khó xét tuyển vào các ngành quân đội, công an (nhiều tổ hợp có môn Lịch sử),… Và nếu xét tuyển đạt, các trường đại học sẽ có học những môn học mà học sinh “bỏ” ở bậc trung học phổ thông sẽ vô cùng thiệt thòi cho các em, các em dễ bỏ học vì không theo kịp chương trình. Ví dụ học sinh không chọn môn Lịch sử nhưng khi trúng tuyển vào quân đội, công an thì các em rất khó tiếp cận được kiến thức lịch sử (xuất hiện trong nhiều học phần) do đã không được học suốt bậc trung học phổ thông; nếu chọn tổ hợp không có môn Hóa học nếu trúng tuyển ngành sư phạm Vật lý học sinh cũng sẽ khó học (do chương trình sư phạm vật lý có một số học phần cần kiến thức hóa học);… Việc tuyển sinh môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý ở bậc trung học cơ sở cũng sẽ rối rắm, phức tạp. Điều này nên được nghiêm túc nhìn nhận lại. Không chọn học 4 (chọn 5/9 môn) trong các môn Lịch sử, Tin học, Vật lý, Hóa học, Giáo dục kinh tế và pháp luật,… từ suốt cấp trung học phổ thông sẽ rất thiệt thòi cho các em trong quá trình học lên đại học, đi làm sau này. Đôi điều kiến nghị Là một nhà giáo công tác nhiều năm, qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi cho rằng với việc cho học sinh chọn 5/9 môn với 108 cách chọn hoặc giao trường tự vẽ ra tổ hợp chọn môn đều rất bất hợp lý, phát sinh nhiều rắc rối, phức tạp, hệ lụy của nó sẽ kéo dài nhiều năm liền. Các trường sư phạm cũng không biết đường nào mà lần trong việc đề ra chỉ tiêu tuyển sinh các ngành khi mỗi trường tự chọn tổ hợp môn khác nhau. Thực tế, để đảm bảo định hướng của chương trình là cho học sinh được lựa chọn môn, chuyên đề học tập dựa vào đam mê, định hướng nghề nghiệp đáp ứng được nhu cầu của nhà trường,…với tình hình hiện nay là quá sức đối với các trường, khó thành hiện thực. Theo quan điểm người viết, ở bậc trung học phổ thông vẫn là cấp “phổ thông” chỉ nên dạy kiến thức phổ thông, nếu học sinh có đam mê, định hướng nghề nghiệp thì chọn thêm chuyên đề học tập để đáp ứng nhu cầu học tập, định hướng nghề nghiệp,… Bậc trung học cơ sở các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học đã được tích hợp vào môn Khoa học tự nhiên, Môn Lịch sử, Địa lý đã được tích hợp vào môn Lịch sử và Địa lý nên nếu sang bậc trung học phổ thông các em không được học các môn trên thì quá thiệt thòi cho các em. Nên người viết mạnh dạn đề xuất, ở lớp 10 chương trình mới đối với các môn học Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Tin học là môn bắt buộc, học sinh được chọn học môn Công nghệ hoặc Nghệ thuật (chọn Âm nhạc hoặc Mĩ thuật). Tuy nhiên, sẽ giảm số tiết các môn trên trong 1 năm học để đảm bảo không vượt quá tổng số tiết học trong một năm học là 1015 tiết. Bên cạnh đó, để tăng tính định hướng nghề nghiệp thì học sinh được lựa chọn 3 chuyên đề học tập (thường gắn với tổ hợp tuyển sinh đại học). Hiện nay mỗi cụm chuyên đề được xây dựng 35 tiết/năm, thì tôi đề xuất tăng lên 70 tiết/năm để mang tính phân hóa, chuyên sâu. Theo chương trình mới được công bố học sinh học 5 môn tự chọn mỗi môn 70 tiết/năm học, 3 cụm chuyên đề 105 tiết tổng cộng 455 tiết. Theo đề xuất của tôi, các em sẽ học 7 môn bắt buộc (ngoài các môn bắt buộc trong chương trình mới) và 1 môn tự chọn, 3 chuyên đề học tập tự chọn, 8 môn trên mỗi môn 35 tiết/năm, 3 cụm chuyên đề nâng cao 70 tiết/năm, tổng cộng học 436 tiết/năm. Tổng số tiết học/năm của học sinh trung học phổ thông do tôi đề xuất sẽ không chênh lệch so với tổng số tiết do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố. Ở lớp 10 các em nên học kiến thức cơ bản, phổ thông của các môn, có thể tự chọn từ giữa năm lớp 11 hoặc bắt đầu từ lớp 12 sẽ hợp lý hơn. Chương trình bộ môn đã có nên nếu có thay đổi lúc này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến việc dạy học, đừng để có “tội” với học sinh, tổ tiên. Nếu thực hiện theo phương án tôi góp ý thì vừa đảm bảo tính toàn diện trong giáo dục, đảm bảo định hướng nghề nghiệp vừa có tính chuyên sâu, chuyên ngành dựa vào việc học sinh chọn chuyên đề học tập nâng cao. Định hướng cho học sinh chọn môn từ trung học phổ thông có thể không sai nhưng lại không phù hợp tình hình giáo dục hiện nay, nó làm phát sinh nhiều tình huống phức tạp, thiệt thòi cho các em học sinh. Tôi rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo hãy mạnh dạn, thẳng thắn nhìn nhận những điều bất cập, hạn chế của chương trình mới để có những điều chỉnh kịp thời hợp lý, xin đừng “ném lao thì phải theo lao”, việc điều chỉnh giai đoạn này tuy có muộn nhưng vẫn kịp thời. Theo Giáo dục VN
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|