Nếu không có mạng xã hội, biết đâu người ta sẽ sống hạnh phúc hơn12/03/2024 - 16:22:00 Tối 5/3, cộng đồng dùng mạng xã hội thực sự hốt hoảng khi sự cố xảy ra. Phải đến khi đó, người ta mới hình dung hết mức độ lệ thuộc của con người vào một nền tảng mạng xã hội như Facebook.
Tại cuộc họp báo của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 6/3, theo con số công bố của Cục An toàn Thông tin, Việt Nam có hơn 70 triệu người dùng Facebook. Trong 2 tiếng đồng hồ sự cố xảy ra, Cục An toàn thông tin liên tục nhận được cuộc gọi của người sử dụng vì họ cho rằng tài khoản Facebook của mình bị đánh cắp. Như vậy, qua sự cố này, lo ngại đầu tiên đối với người dùng là tính bảo mật. Từ đó cho thấy, Facebook không đơn thuần chỉ là nơi tán ngẫu, nó là nơi có thể mất tiền hoặc mất thông tin cá nhân. Điều đáng nói là hầu hết người dùng Việt Nam đều chưa dùng biện pháp xác thực hai bước để bảo vệ tài khoản. Đó là lý do chúng ta thường mất tài khoản trực tuyến nếu bị lộ mật khẩu trong các cuộc tấn công mạng hay rò rỉ dữ liệu. Có lẽ, có thể nói không ngoa rằng hiếm có một sự cố nào lại tác động đến hàng chục triệu người dùng (ở Việt Nam) và gấp nhiều lần con số ấy (đối với toàn cầu) như sập mạng xã hội. Ở đó, hoàn chỉnh là một xã hội, một thế giới và con người đã quá phụ thuộc vào nó. Tài khoản Facebook trở thành nơi giao tiếp, thành siêu thị bán hàng tạp hóa, cửa hàng quần áo và nơi bán đồ ăn… Mạng xã hội cũng thành phòng khách giao tiếp, thành phòng ngủ để tiết lộ các tâm trạng thầm kín, thành phòng mạch để tư vấn thượng vàng hạ cám từ bệnh tật tới trạng thái tinh thần… Một nơi quá quan trọng để hẹn hò tán gẫu, để khoe khoang và để cả phô bày lẫn che giấu. Thế nên, thật dễ hiểu khi hàng chục triệu người hốt hoảng vì mạng xã hội mắc sự cố không truy cập được. Sau sự cố này, chúng ta ngẫm ngợi được điều gì? Đặt giả thiết nếu mạng xã hội một ngày đột nhiên biến mất, không phải vài chục phút, không phải vài giờ như các sự cố đã từng xảy ra. Đương nhiên, các tập đoàn công nghệ khổng lồ trên thế giới không thể cho mạng xã hội biến mất khỏi đời sống được. Họ có thể cạnh tranh, có thể một mạng xã hội nào đó sẽ yếu đi, mạng khác lôi kéo được nhiều người dùng hơn, không nền tảng này thì nền tảng khác ra đời. Bởi thế việc đặt ra một giả thiết là không tưởng. Nhưng nếu giả dụ nó xảy ra, thì biết đâu chúng ta sẽ sống hạnh phúc hơn. Bởi vì chúng ta đã từng sống không có mạng xã hội, và lúc ấy, hình như chúng ta đã không dễ tổn thương như kể từ khi mạng xã hội xuất hiện. Sự tổn thương có lẽ bắt đầu từ việc nhờ có mạng xã hội mà sự lan truyền bức xúc hoặt tinh thần “bạ gì cũng chửi” rất dễ dàng. Thuật toán của các nhà cung cấp dịch vụ giúp những người đồng quan điểm tìm thấy nhau, tiếp cận nhau và tiếp tục lan truyền tinh thần ấy. Ở bên ngoài nói gì đó thì lời nói cũng chỉ đến được với một số ít người, nếu bạn không phải là người nổi tiếng lập ngôn trên báo chí. Nhưng với mạng xã hội, một ý kiến trên tài khoản cá nhân cũng có thể lan rất rộng, phi biên giới, và tiếp cận cả những đối tượng không hề liên quan. Và ngày ngày, tác động đến chúng ta ở trên mạng xã hội không phải chỉ là những điều đúng đắn, thiện lương, tử tế mà cả những quan điểm lệch lạc, sai trái lan truyền rất nhanh. Nó làm chúng ta hoặc nhân thêm bức xúc, hoặc trở thành chai sạn cảm xúc. Bóc phốt người này, chỉ trích lỗi của người khác, người ta tham gia vào một không gian mạng xã hội rộng lớn thì sự tổn thương nếu có, cũng được chia đều như nhau. Thế thì dùng mạng xã hội để làm gì? Không ai còn đi hỏi câu hỏi ngây thơ ấy khi mà thực ra người ta đã “sống” ở trên mạng, lệ thuộc vào nó và hoảng loạn nếu chỉ cần 30 phút không còn đăng nhập được vào thế giới ấy. Sẽ có nhiều người cho rằng chúng ta và ông bà cha mẹ chúng ta đã từng sống mà không dùng mạng xã hội. Vì thế giờ đây không có mạng cũng không sao. Các tập đoàn công nghệ vẫn tiếp tục cho ra đời các nền tảng. Nhưng lựa chọn cuộc sống nào là quyền của chúng ta. Vậy thì hãy thử xem không chỉ 30 phút sập mạng, mà là hơn thế nữa, chúng ta tự nguyện rời mạng xã hội, để sống một đời sống khác. Có thể sẽ có nhiều tiện lợi, nhiều niềm vui, nhiều cơ hội để kiếm tiền, nhiều cơ hội để thể hiện mình mà chúng ta không tận dụng được trong một xã hội văn minh. Nhưng có thể biết đâu rời bỏ mạng xã hội chúng ta sẽ sống hạnh phúc hơn. Mặc dù, rất khó khăn để làm việc này!
Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|