“Tôi xin nói thẳng rằng chúng tôi không thấy có cơ sở để tìm kiếm các cuộc thoả hiệp với Mỹ - quốc gia hoàn toàn không có khả năng đàm phán. Tất nhiên, nếu cuối cùng phía Mỹ quay trở lại quan điểm chung và có cái nhìn đúng đắn về bối cảnh địa chính trị đang thay đổi, không phải thể hiện qua lời nói, mà bằng hành động, có thiện chí tôn trọng lợi ích quốc gia Nga, đó chính là cơ sở để dần bình thường hóa quan hệ giữa hai quốc gia”, ông Aleksandr Darchiev, người đứng đầu Vụ Bắc Mỹ tại Bộ Ngoại giao Nga nói với hãng thông tấn TASS hôm 13/8.
Mỹ và các đồng minh NATO đã áp đặt các lệnh trừng phạt sâu rộng đối đối với Nga sau khi Moskva triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt Ukraine vào cuối tháng 2. Tuy nhiên, ông Darchiev cho rằng nỗ lực làm suy thoái nền kinh tế, cũng như việc tập hợp liên minh quốc tế đối phó với Nga, đã thất bại. “Chúng tôi đang bình tĩnh đáp trả và không tìm kiếm các cuộc đàm phán”, nhà ngoại giao Nga nói.
Hồi cuối tháng 7, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken đã có cuộc điện đàm đầu tiên kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine. Cuộc điện đàm diễn ra cùng thời điểm Thượng viện Mỹ nhất trí thông qua nghị quyết không ràng buộc, kêu gọi Bộ Ngoại giao chỉ định Nga là “quốc gia bảo trợ cho chủ nghĩa khủng bố”. Điện Kremlin cho rằng động thái này sẽ chỉ làm căng thẳng thêm mối quan hệ giữa hai quốc gia.
Ông Darchiev cho biết nếu Quốc hội Mỹ thông qua tuyên bố Nga là quốc gia bảo trợ cho chủ nghĩa khủng bố, điều đó có nghĩa là Mỹ sẽ vượt qua điểm không thể quay đầu. Hậu quả của động thái này sẽ là quan hệ ngoại giao song phương có thể bị hạ thấp, hoặc thậm chí tan vỡ.