Cân bằng giữa răn đe và hợp tác
Các động thái của Nga tại Bắc Cực diễn ra trong bối cảnh chính phủ các nước Bắc Âu đang tìm cách cân bằng giữa sự răn đe và hợp tác với Moscow. Tuy nhiên, nỗ lực song hành này có thể bị dập tắt bởi những tham vọng địa chính trị mới do biến đổi khí hậu gây ra.
Vài thập niên trở lại đây, hiện tượng ấm lên trên toàn cầu đã tạo điều kiện cho quá trình tiếp cận và khám phá vùng Bắc Cực trở nên dễ dàng hơn. Băng tan nhanh đã mở ra những mặt trận cạnh tranh mới tại khu vực giàu tài nguyên này và thu hút cả những nước xa xôi như Trung Quốc. Điều đó có thể gây ra những vấn đề về an ninh đối với NATO. Giới phân tích cho rằng, trong trường hợp xuất hiện mối đe dọa về an ninh, NATO cần một chiến lược để quản lý xung đột.
Anna Wieslander, giám đốc chương trình Bắc Âu của Hội đồng Đại Tây Dương có trụ sở tại Stockholm, cho biết: “Có quá nhiều yếu tố tạo ra những tình huống phức tạp về an ninh tại Bắc Cực. Việc ngay lập tức tăng cường hoạt động giám sát, triển khai thêm nhiều binh sỹ hay xây dựng thêm các căn cứ quân sự không phải là lựa chọn tối ưu. Thay vào đó, các bên cần phải đạt được hiểu biết chung về cách giải quyết vấn đề đó và tìm ra hướng đi thích hợp”.
Na Uy – một thành viên của NATO, có chung đường biên giới với Nga, từ lâu đã phải cân bằng giữa 2 phép tính: đề cao cảnh giác trước các hoạt động quân sự của Nga ở Bán đảo Kola – nơi Hạm đội phương Bắc đồn trú và tìm kiếm một mối quan hệ tốt với nước láng giềng trong lĩnh vực quản lý nghề cá và hợp tác bảo vệ bờ biển.
Bộ chỉ huy quân sự Na Uy và trụ sở Hạm đội phương Bắc của Nga gần Murmansk vẫn duy trì một đường dây nóng ngay cả khi Oslo cắt đứt quan hệ quốc phòng với Moscow sau sự kiện sáp nhập Bán đảo Crimea năm 2014. Phát biểu tại hội thảo trực tuyến do Hội đồng Đại Tây Dương tổ chức ngày 19/3, Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Bakke-Jensen cho biết: “Chúng tôi đang tiến hành đối thoại cởi mở với Nga”, với ý tưởng là nâng cấp các kênh hợp tác thành công vẫn đang được duy trì, chẳng hạn như dịch vụ tìm kiếm cứu nạn chung.
Tuy vậy, giới chức Na Uy ngày càng tỏ ra lo ngại trước tên lửa tầm xa, vũ khí dưới nước mới và các cuộc tập trận hải quân của Nga ở gần bờ biển của các đồng minh NATO. Họ cho rằng, Moscow đang quay trở lại phiên bản “chiến lược pháo đài” – một kiểu chiến lược chống tiếp cận/ngăn chặn xâm nhập (A2/AD)) có từ thời chiến tranh Lạnh nhằm tạo ra vùng biển an toàn cho các tàu ngầm hạt nhân của Liên Xô để thực hiện một cuộc phản công hạt nhân trong trường hợp chiến tranh hạt nhân nổ ra.
Bộ trưởng Ngoại giao Na Uy Ine Eriksen Soreide cho biết: “Chúng tôi không thể né tránh thực tế là tình hình an ninh tại Bắc Cực đang ngày càng trở nên thách thức hơn. Chúng tôi không coi Nga là mối đe dọa trực tiếp với Na Uy, nhưng chúng tôi nhận thấy ngày càng có nhiều tín hiệu nguy hiểm đối với NATO và Na Uy, với tư cách là một thành viên của NATO, cũng đối mặt với tình huống này”.
NATO không thể làm ngơ
NATO đã nỗ lực hàn gắn, tính toán cải tổ, nhận diện thách thức, hay chính xác hơn là “tìm lại chính mình” trong suốt một năm qua thông qua tiến trình cải cách có tên gọi NATO 2030. Bên cạnh đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng mong muốn các thành viên nhất trí với tài liệu chiến lược tổng thể mang tên "Khái niệm Chiến lược", nhằm đối phó với năng lực quân sự đang gia tăng của Nga và Trung Quốc. Những nỗ lực cải cách liên minh quân sự này có thể mở ra đường hướng mới để đưa chủ đề an ninh Bắc Cực trở thành ưu tiên trong chương trình nghị sự xuyên Đại Tây Dương.
Ông Henning Vaglum, tổng giám đốc phụ trách chính sách an ninh tại Bộ Quốc phòng Na Uy cho rằng: “Khái niệm Chiến lược nên nhấn mạnh vai trò của NATO ở Bắc Cực. Trong lịch sử đã có một số hoài nghi về điều đó”.
Trái với một số đồng minh NATO, các nhà hoạch định chính sách Mỹ không xem Bắc Cực là nguồn gốc có thể dẫn đến những xung đột trong tương lai. Tuy nhiên, các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng, căng thẳng ở những nơi khác có thể nhanh chóng lan tới Bắc Cực. Jennifer Walsh, một quan chức chính sách cấp cao của Bộ Quốc phòng cho biết: “Chúng ta cần phải kết nối các sự kiện và dự đoán về những hành động của Nga trong khu vực”.
Mặc dù mục tiêu hiện tại của Nga là tăng cường khả năng phòng thủ tại lãnh thổ của nước này ở Bắc Cực, nhưng “Moscow sẽ tiến xa đến đâu trong việc tăng cường giám sát hoặc kiểm soát các tuyến đường biển phía bắc?”, bà Jennifer Walsh lưu ý.
“Trung Quốc cũng vậy”, quan chức này nhấn mạnh. Tham vọng rõ ràng của Bắc Kinh là mong muốn “có một chân trên bàn cờ” và vì thế các nỗ lực gây tác động của nước này đối với cơ chế quản lý Bắc Cực hiện có cần được đánh giá dựa trên hành vi của Trung Quốc ở những nơi khác.
Vẫn còn phải xem xét cách thức NATO thực hiện các nhiệm vụ mà nước này đặt ra đối với khu vực Bắc Cực, giới phân tích nhận định./.