Trên đảo Crete của Hy Lạp, một máy bay giám sát của NATO đã sẵn sàng cất cánh và quan sát động thái của Nga tại Địa Trung Hải – khu vực mà cả Nga và Mỹ đã gia tăng sự hiện diện thời gian gần đây trong bối cảnh cuộc chiến tranh tại Ukraine leo thang.
Khi Nga tiếp tục tấn công Ukraine, “mục đích của hoạt động triển khai máy bay giám sát là để người Nga thấy rằng phía Đông Địa Trung Hải là một phần của NATO”, trung úy Johann, sĩ quan chỉ huy máy bay do thám của NATO cho biết.
Sự hiện diện quân sự gia tăng ở mức độ chưa từng có
Xung đột Ukraine đã khiến Nga và Mỹ tăng cường sự hiện diện tại Địa Trung Hải lên mức chưa từng thấy trong một thế hệ qua.
Thibault Lavernhe, quan chức truyền thông của quân đội Pháp tại Địa Trung Hải, cho biết: "Chiến sự Ukraine đã thay đổi mọi thứ. Người Mỹ đã trở lại. Điều này đã không xảy ra kể từ thời Chiến tranh Lạnh".
Ông Lavernhe nói: “Nga cũng tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba lần, năng lực quân sự của họ trong khu vực” với việc triển khai các tàu khu trục, khinh hạm và tàu ngầm.
Bộ Ngoại giao Pháp cho biết, Địa Trung Hải có tầm quan trọng chiến lược đối với nền kinh tế thế giới. Ước tính 65% nguồn cung cấp năng lượng của EU và 30% thương mại toàn cầu đi qua vùng biển này. Có rất nhiều thành phố, hải cảng sầm uất bậc nhất thế giới nằm bên bờ Địa Trung Hải, từ châu Âu, Bắc Phi cho tới Trung Đông.
Theo ông Thibault Lavernhe, hiện có khoảng 20 tàu chiến Nga trên biển Địa Trung Hải. Những con tàu này được điều động tới đây sau cuộc xung đột tại Syria. Nga đã can thiệp quân sự vào Syria vào năm 2015 theo đề nghị của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, bắt đầu bằng việc triển khai các tàu chiến ở cảng Tartus – căn cứ sửa chữa và tiếp nhiên liệu duy nhất của hải quân Nga ở Địa Trung Hải. Nga đã tăng cường lực lượng trong vùng biển này sau khi phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, một số nhà quan sát quân sự lưu ý.
Hải quân Nga hiện đang mở rộng phạm vi hoạt động về phía tây bắc, đến tận Peloponnese của Hy Lạp, cửa ngõ vịnh Dardanelles - con đường dẫn vào Biển Đen. Trong khi Mỹ đã tăng gấp đôi sự hiện diện của nước này bằng cách điều chuẩn các tàu từ Đại Tây Dương. “Ở đâu có lực lượng Mỹ, ở đó cũng có lực lượng Nga”, ông Lavernhe nói.
“Tàu của Nga được bố trí để giám sát hoạt động của các thành viên trong khối NATO”, quan chức này nhấn mạnh.
Tăng cường giám sát lẫn nhau
Nga đã tăng cường sự hiện diện hải quân tại Địa Trung Hải nhiều hơn so với trước kia. Đây có thể coi là lớp phòng thủ bên ngoài cho hoạt động của hải quân Nga tại Biển Đen, ở ngoài khơi Ukraine. Đặc biệt để đối phó với mối đe dọa từ các tàu sân bay của Mỹ và Pháp.
Hai tuần dương hạm lớp Slava hiện có của Nga ở Địa Trung Hải cùng với các tàu hỗ trợ và tàu hộ tồng đều đi theo đội hình san sát nhau. Sự tập trung lực lượng hải quân của Nga tại Địa Trung Hải rất đáng chú ý vì thông thường các con tàu sẽ hoạt động theo từng nhóm riêng biệt. Điều này gây ra mối lo ngại đáng kể cho NATO.
Các tàu tuần dương lớp Slava chủ yếu là tàu chống hạm. Mỗi chiếc được trang bị 16 tên lửa siêu thanh P-1000 Vulkan. Họ cũng cung cấp năng lực phòng không đáng kể với 64 tên lửa S-300F Rif.
Ngoài ra, Nga cũng có hai tàu khu trục chống ngầm Udaloy Class và hai khinh hạm đa năng. Các tàu khu trục nhỏ và tàu hộ tống lớp Buyan-M đều có thể mang tên lửa hành trình Kalibr, loại vũ khí từng được Nga sử dụng trong cuộc tấn công Ukraine.
Về phần mình, NATO đăng tăng cường triển khai máy bay giám sát các hoạt động tại Địa Trung Hải, chẳng hạn như máy bay trinh sát tầm xa Atlantique 2 ở căn cứ Souda trên đảo Crete. Đây là máy bay do hãng Dassault của Pháp chế tạo, được trang bị radar, camera tiên tiến cùng các hệ thống có khả năng phát hiện từ trường và thu tín hiệu radar ở xung quanh.
Điều phối viên chiến thuật của máy bay Laurent giải thích rằng, máy bay sẽ thu thập thông tin các con tàu quan sát được trong chuyến bay của nó và xác định nhiệm vụ liên quan.
“Tất cả các con tàu cao trên 12m đều phải được đăng ký và có đèn hiệu giao thông. Nếu không chúng tôi sẽ xem xét đó có phải là tàu buôn lậu hoặc thực hiện hoạt động bất hợp pháp khác hay không”. Thông tin sau đó được chia sẻ với bộ tổng tham mưu Pháp và bộ chỉ huy NATO.
Trung úy Johann cho biết, máy bay có khả năng bay xa đến tận Biển Đen nhưng điều đó chắc chắn sẽ gây quan ngại với Nga. “Chúng tôi không muốn rơi vào tình trạng khủng hoảng trong khu vực này. Mục tiêu của chúng tôi đơn giản chỉ là bảo vệ an ninh châu Âu”./.