Kênh RT (Nga) cho biết sau những trao đổi kéo dài 8 tiếng với cả sự tham dự của Pháp và Đức, các nhà đàm phán Nga và Ukraine đã thống nhất rằ lệnh ngừng bắn vĩnh viễn ở vùng Donbass phải được tuân thủ “vô điều kiện”.
Đại diện của Nga, Ukraine cùng Pháp và Đức đã gặp gỡ trao đổi nhằm giảm căng thẳng leo thang trong khu vực. Các nước phương Tây liên tục cáo buộc Moskva lên kế hoạch xâm chiếm Ukraine trong khi điện Kremlin mạnh mẽ bác bỏ điều này.
Người đứng đầu đoàn đàm phán Nga - ông Dmitry Kozak cho biết “bất chấp các khác biệt trong cách diễn giải, chúng tôi thống nhất rằng lệnh ngừng bắn cần phải được mọi bên duy trì tuân theo các hiệp định”.
Đại diện của Ukraine Andrey Yermak trong khi đó chia sẻ rằng mọi bên đều ưu tiên ngừng bắn vĩnh viễn. Ông này đánh giá việc khôi phục đàm phán theo thể thức Normandy là “tín hiệu tích cực” trong giảm nguy cơ leo thang căng thẳng.
Điện Élysée xác nhận rằng các đặc phái viên “ủng hộ sự tôn trọng vô điều kiện đối với ngừng bắn và tuân thủ đầy đủ các biện pháp tăng cường ngừng bắn vào ngày 22/ 7/ 2020, bất kể sự khác biệt liên quan đến việc thực hiện các thỏa thuận Minsk”. Các bên sẽ gặp lại nhau tại Berlin (Đức) sau hai tuần để thảo luận thêm.
Nhóm 4 quốc gia đã nhóm họp lần đầu tiên vào năm 2014, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Đồng minh đổ bộ vào Normandy trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Cùng năm này, chiến sự bùng phát tại Donbass.
Các thỏa thuận Minsk được ký kết bởi Ukraine, Nga và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) vào năm 2014 và 2015, nhằm mục đích chấm dứt chiến tranh, nhưng cho đến nay vẫn chưa được thực hiện.
Moskva khẳng định rằng họ đứng về phía thỏa thuận Minsk, và cáo buộc Kiev đã không tuân theo cam kết của nước này khi từ chối đàm phán với lãnh đạo của các khu vực ly khai. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lại cho rằng thay vào đó ông nên gặp người đồng cấp Vladimir Putin.
Trong tuyên bố sau cuộc họp ngày 26/1, đại diện của Nga bổ sung rằng “nghĩa vụ” thực hiện các thỏa thuận “nằm trong tay lực lượng vũ trang của Ukraine và lực lượng của Cộng hòa Nhân dân Donetsk cùng Cộng hòa Nhân dân Luhansk”.