Ngẫm sau sự kiện Black Pink01/08/2023 - 15:21:00 Chỉ một nhóm nhạc đến biểu diễn mà chi phối truyền thông và chi phối sự quan tâm của xã hội thì đó là điều hiếm một hoạt động biểu diễn nào ở Việt Nam làm được. Chúng ta phải thừa nhận giấc mơ vươn ra thế giới ở nhiều lĩnh vực, không phải chỉ nghệ thuật biểu diễn, vẫn còn là giấc mơ.
Với thời buổi công nghệ thông tin phát triển, việc cập nhật thông tin trên toàn thế giới không còn khoảng cách. Ngay khi những bộ phim phát hành ở Bắc Mỹ nó cũng đồng thời ra rạp ở Việt Nam đã trở thành điều bình thường. Cho nên, giới trẻ thích nghe dòng nhạc này, ban nhạc kia hay thần tượng ca sĩ này, nghệ sĩ kia trên thế giới cũng nên coi là việc bình thường. 2 đêm biểu diễn của Black Pink vừa diễn ra ở Sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội) cho thấy không phải vô cớ, hàng vạn người hâm mộ (trong đó chiếm phần lớn là giới trẻ) lại phát cuồng lên vì mấy cô gái. Họ phải là một cái gì đó, họ phải ở một đẳng cấp nào đó, họ phải đạt tới sự đồng điệu nào đó với sở thích, tâm hồn giới trẻ. 2 đêm nhạc, đêm sau vé được săn đón nhiều hơn đêm trước, khiến người mua vé cảm thấy mãn nguyện, là minh chứng cho điều đó. Tôi biết sau 2 đêm nhạc, đang có nhiều ý kiến trên mạng xã hội, của những chú, những anh đang chê trách giới trẻ vì sao chỉ biết gào thét dưới chân thần tượng ở sân Mỹ Đình. Chê thì cũng có lý của người chê. Nhưng làn sóng Hàn Quốc (Hallyu) đâu phải chỉ làm mưa làm gió ở Việt Nam. Điện ảnh Hàn Quốc đã đánh bật hoàn toàn điện ảnh Hongkong. Và khoảng 20 năm trước, 'Bản tình ca mùa đông' đã chiếm lĩnh cả thị trường Mỹ. 'Hạ cánh nơi anh' phát sốt khắp toàn cầu. Hàng thập kỷ trước, hàng nghìn phụ nữ Nhật Bản đã ra sân bay đón Bae Jong Joon... Có nghĩa là đừng nhìn việc giới trẻ Việt Nam thần tượng ban nhạc này, diễn viên kia là sự lệch lạc thẩm mỹ, non kém ý thức dân tộc, hãy nhìn trong trào lưu chung của thẩm mỹ thời hiện đại. Hơn nữa, phải thấy sao họ làm giỏi thế, vì sao chỉ trong vài thập kỷ Hàn Quốc khiến thế giới phát sốt vì Hallyu, thay vì chỉ trích giới trẻ. Trước đêm diễn của Black Pink tôi biết có những gia đình cũng lùng mua vé để chiều theo sở thích bọn trẻ. Một số người khác lên mạng chỉ trích vé đắt và việc ai đi xem là sự đua đòi theo những thứ tầm thường, nhí nhố. Tôi không tin rằng việc rất nhiều bạn trẻ thích một thứ gì đó lại chỉ là sự nhố nhăng. Thẩm mỹ của giới trẻ, trong điều kiện phát triển của xã hội, đã có sự văn minh, công bằng nhất định. Và lớp trẻ có những tiếp cận riêng về giá trị thẩm mỹ để hướng tới văn minh. Tất nhiên, là một người Việt Nam, đúng là nhìn 2 đêm diễn của Black Pink chúng ta cảm thấy chạnh lòng, khi văn hóa dân tộc bị các em thờ ơ trong khi lại cuồng nhiệt với một ban nhạc từ nước ngoài đến. Tất nhiên, chúng ta luôn nghĩ giới trẻ chưa đủ khôn ngoan và cần định hướng, giáo dục thẩm mỹ, giáo dục giá trị dân tộc và lòng tự tôn dân tộc. Nhưng không phải bằng cách chê bai việc các em cuồng nhiệt với Black Pink là một sự thấp hèn lệch lạc tư tưởng và thẩm mỹ. Thời buổi hiện đại, có một từ dùng rất hay là làn sóng hoặc xu hướng. Trend luôn luôn là một thứ thời thượng. Nhưng trend dễ đến và dễ đi. Một tuần, hai tuần hay một tháng nữa, trên mạng xã hội ở Việt Nam không còn ai nhắc đến Black Pink. Những bạn trẻ thích đi xem chỉ vì thời thượng cũng sẽ chuyển sự quan tâm đến một trend khác. Nhưng cũng sẽ có những bạn trẻ thực sự yêu thích vẫn tiếp tục hâm mộ và dõi theo ban nhạc. Đều là chuyện bình thường trong một xã hội văn minh tôn trọng sở thích cá nhân. Nhưng qua một sự kiện âm nhạc, người lớn thay vì chỉ trích bọn trẻ, thì ngẫm xem chúng ta sẽ phải tạo ra những làn sóng, vượt ra bên ngoài khuôn khổ quốc gia.
Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|