Sự kiện trong nước
Trong hai ngày 3 và 4/4/1965, Không quân nhân dân Việt Nam đã ghi chiến công đầu giòn giã. Ngày 3/4/1965, biên đội không quân Phạm Ngọc Lan bắn rơi 2 máy bay phản lực hiện đại F8 trên vùng trời Hàm Rồng, Thanh Hóa. Tiếp đó, ngày 4/4, biên đội Trần Hanh bắn rơi 2 phản lực F105 Mỹ cũng trên vùng trời Hàm Rồng. Ngày đánh thắng trận đầu oanh liệt ấy đã trở thành ngày truyền thống vẻ vang của quân chủng.
Biên đội đánh thắng trận đầu ngày 3-4-1965 (từ trái qua: Phạm Ngọc Lan, Phan Văn Túc, Hồ Văn Quỳ, Trần Minh Phương). Ảnh tư liệu |
Ngày 3/4/1845, Đào Tấn sinh ra ở xã Phúc Lộc, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định và từ trần ngày 15/7/1907. Cuộc đời ông có nhiều nét đặc biệt: 3 lần làm tổng đốc, 4 lần làm thượng thư và là một nghệ sĩ lớn nhất của dân tộc ở thế kỷ XIX - là một người yêu nước, ông có quan hệ mật thiết với các lãnh tụ trong phong trào Cần Vương.
Đào Tấn mang hết tâm huyết cống hiến cho nghệ thuật tuồng. Ảnh: thethaovanhoa.vn |
Trên hết, Đào Tấn là một diễn viên xuất sắc, một đạo diễn tài năng, một nhà thơ độc đáo và là một trong những nhà lý luận sân khấu đầu tiên của Việt Nam.
Ông để lại hàng trăm bài thơ và từ, 30 vở tuồng, trong đó có nhiều vở đã trở thành mẫu mực, có vở dài 100 hồi, diễn tới 100 đêm, và "Hí trường tùy bút" là tập lý luận sân khấu rất có giá trị.
Ngày 3/4/1981, nước ta quyết định tham gia "Công ước về ngăn ngừa và trừng trị tội ác diệt chủng", và "Công ước về ngăn ngừa và trừng trị tội ác của chủ nghĩa Apácthai".
Đây là thể hiện quyết tâm mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã nêu trong cương lĩnh của mình về phấn đấu cho một xã hội, một thế giới công bằng văn minh. Tội ác diệt chủng và chủ nghĩa Apácthai thực sự là nỗi ô nhục của loài người tiến bộ. Bằng việc tham gia 2 công ước nói trên, nước CHXHCNVN khẳng định vai trò và ý trí của mình trên trường quốc tế ở lĩnh vực này.
Sự kiện quốc tế
Ngày này năm 1897, Johannes Brahms - nhà soạn nhạc nổi tiếng trong lịch sử âm nhạc thế giới nửa cuối thế kỷ XIX, từ trần tại thành phố Vienna nước Áo.
Ông sinh ở Hamburg năm 1833.
Nhà soạn nhạc Johannes Brahms thường cho rằng, kỹ năng viết cho piano của mình tốt hơn nhiều so với viết cho đàn dây. Ảnh: hoinhacsi.vn |
Thời trẻ Johannes Brahms sống trong cảnh nghèo khó, 13 tuổi đã phải đi đánh đàn thuê cho các tiệm nhảy. Brahms đi biểu diễn nhiều nơi ở nước ngoài, gặp Robert Schumann, Franz Liszt và các nhạc sĩ ấy có ảnh hưởng nhiều tới ông.
Theo dấu chân Người
Ngày 3/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp của Hội đồng Chính phủ để nghe báo cáo và chỉ đạo đối phó với việc Ngân hàng Đông Dương lúc này Pháp kiểm soát, đó phát hành loại giấy bạc 100 đồng, đồng thời, ra lệnh đình chỉ việc đổi loại giấy bạc 500 đồng, một âm mưu phá hoại nền tài chính của đất nước. Chính phủ cũng bác bỏ việc ký khoản ước tạm thời về thư tín và hàng không giữa Trung Hoa và Việt Nam.
Trong ngày này, Bác ký Sắc lệnh cử nhân sự vào Ban Vận động Trung ương Đời sống mới, trong đó có các vị: Đoàn Tâm Đan, Trần Huy Liệu, Vũ Đình Hòe, Nguyễn Tấn Gi Trọng, Nguyễn Huy Tưởng, Đỗ Đức Dục, Phạm Biểu Tâm... “Đời sống mới” do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng nhằm thực hiện một trong những nhiệm vụ cấp bách mà tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời được triệu tập chỉ một ngày sau Lễ Tuyên ngôn Độc lập (3/9/1945), đó xác định là: Giáo dục lại nhân dân chúng ta. Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập.
Sắc lệnh cử nhân sự vào Ban Vận động Trung ương Đời sống mới. Ảnh: Trung tâm lưu giữ quốc gia IIII |
Ngày 3/4/1960, Bác gửi thư cảm ơn đồng bào Thủ đô đã đề nghị Chủ tịch nước ra ứng cử tại Hà Nội trong lần bầu Quốc hội khóa II và thông báo sẽ ra ứng cử tại quận Ba Đình, đồng thời hô hào bà con cử tri “hăng hái tham gia hoạt động, làm cho cuộc Tổng tuyển cử này đại thắng lợi”. Cùng ngày, báo Nhân Dân đăng bài “Một cách thảo luận dự thảo Điều lệ Đảng” của Bác (dưới bút danh Đ.X.). Đây là bước chuẩn bị cho Đại hội lần thứ III của Đảng, trong đó Bác chỉ rõ cuộc thảo luận phải nhằm vào ba mục đích: Nâng cao đạo đức cách mạng của đảng viên; Đoàn kết và củng cố tốt chi bộ; Đẩy mạnh và hoàn thành tốt những nhiệm vụ của Đảng đề ra.
Ngày 3/4/1965, nhân kỷ niệm 10 năm Hội nghị và Tinh thần Băngđung, Bác gửi điện chúc mừng tới Tổng thống Cộng hoà Inđônêxia Xucácnô là nước đăng cai sự kiện lịch sử này, để khẳng định: “Lịch sử trong mười năm qua đó chứng minh một cách hùng hồn sự đúng đắn, sức mạnh và sức sống của những nguyên tắc đã được nêu ra ở Băngđung... Nhân dân Việt Nam yêu hoà bình nhưng quyết không bao giờ lùi bước trước bất kỳ một sự đe doạ nào của bọn đế quốc...” .
(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ngày này năm xưa - NXB: Chính trị quốc gia - Sự thật 2010; Hồ Chí Minh Toàn tập - NXB Chính trị quốc gia)
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
"Giúp nhân dân nước bạn là tự giúp mình"
Đó là lời của Bác được trích trong thư gửi các đơn vị bộ đội có nhiệm vụ tác chiến ở Thượng Lào ngày 3/4/1953: “Lần này là lần đầu tiên, các chú nhận một nhiệm vụ quan trọng và vẻ vang như nhiệm vụ này, tức là giúp nhân dân nước bạn. Mà giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”.
Thực hiện tuyên bố chung “Đoàn kết Việt - Miên - Lào chống Pháp”, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho Quân đội ta nhiệm vụ vừa giúp bạn tổ chức, xây dựng lực lượng, vừa cùng quân và dân nước bạn trực tiếp chiến đấu chống quân xâm lược. Người căn dặn cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta tham gia làm nhiệm vụ quốc tế, phải coi việc giúp đỡ bạn là tự giúp mình.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào - đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn. Ảnh tư liệu. |
Thực hiện lời Bác dạy, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam luôn sát cánh, gắn bó, chiến đấu và sẵn sàng hy sinh để giúp đỡ quân đội và nhân dân nước bạn trên tinh thần đoàn kết quốc tế cao cả, trong sáng và vô tư; cùng nhau đánh thắng kẻ thù chung, giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ của đế quốc, thực dân, xây dựng và phát triển đất nước.
Mối quan hệ, tình đoàn kết đặc biệt Việt-Lào mãi mãi là niềm tự hào của hai dân tộc. Đó là mối quan hệ mẫu mực hiếm có, trong sáng, hết mực thủy chung, được xây đắp trên tinh thần quốc tế vô sản, tạo nên một sức mạnh giúp nhân dân hai nước vượt qua mọi khó khăn, giành được thắng lợi to lớn trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung.
Ngày nay, mối quan hệ đặc biệt Việt-Lào vẫn được Đảng, Nhà nước, nhân dân và quân đội hai nước không ngừng củng cố và tăng cường. Hợp tác chính trị ngày càng bền chặt, hợp tác quốc phòng, an ninh được giữ vững; hợp tác kinh tế, giáo dục, văn hóa, xã hội ngày càng đa dạng… mang lại hiệu quả và lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Thương nhau mấy núi cũng trèo/ Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua/ Việt-Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”.
Quán triệt và làm theo lời Bác dạy, cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta luôn nêu cao tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, thủy chung, tích cực giúp bạn, đẩy mạnh hợp tác quốc phòng, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển.
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 3/4/1956 đăng trang trọng bức ảnh: "Đồng chí Mi-côi-ăng và Hồ Chủ tịch tại Phủ chủ tịch".