Theo đánh giá ban đầu của thí sinh (TS), giáo viên và dư luận xã hội, đề thi ngữ văn và toán nằm trong chương trình THPT, có sự phân hóa phù hợp.

Đề thi toán "dễ thở"

Tại hội đồng thi đặt tại Trường THCS Lê Quý Đôn, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, TS Nguyễn An cho biết đề thi năm nay dễ hơn so với đề thi thử mà nhà trường đã cho học sinh làm trước kỳ thi. "Em làm được 42 câu, chắc được khoảng hơn 8 điểm" - TS này cho biết. Nhiều TS khác khi được hỏi cũng tỏ ra khá hài lòng với đề thi năm nay.

Ngày đầu thi tốt nghiệp THPT: Điểm 8-9 sẽ nhiều - Ảnh 1.

Thí sinh dự thi tại Trường THCS Nghĩa Tân (TP Hà Nội) vui mừng sau khi kết thúc môn thi ngữ văn .Ảnh: NGÔ TRẦN

Thầy Nguyễn Văn Tráng, giáo viên Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội, cho hay với đề thi này thì nhiều TS sẽ đạt được khoảng 8-8,5 điểm. Tuy nhiên, 5 câu cuối khá khó để phân loại TS. "Đề này sẽ phân loại TS tốt hơn năm trước. TS thực sự giỏi mới đạt được điểm 10" - thầy Nguyễn Văn Tráng nhận định.

Các giáo viên của tổ toán, Hệ thống Giáo dục Học mãi, đánh giá đề thi toán bám sát cấu trúc và dạng thức của đề thi tham khảo. 45 câu hỏi đầu tiên (90%) ở mức độ tương đối nhẹ nhàng, thuộc các dạng bài quen thuộc mà TS đã được làm quen trong quá trình ôn tập. Trong đó, 30 câu đầu TS có thể hoàn thành dễ dàng trong khoảng 30 phút. 5 câu hỏi cuối cùng mang tính phân loại và nằm ở phần kiến thức lớp 12 thuộc các chủ đề số phức, hàm số, oxyz và tích phân. Tuy nhiên, 5 câu hỏi này tương đối quen thuộc với các dạng bài đã từng xuất hiện trong các đề thi trước đó nên cũng không làm khó TS: min max - cực trị; diện tích hình phẳng; biện luận nghiệm... "Với đề thi này, tỉ lệ điểm 8, 9 sẽ tương đối nhiều. Nhìn chung, đề thi bám sát đúng yêu cầu của việc xét công nhận tốt nghiệp và tình hình ôn tập trong giai đoạn dịch bệnh. Tuy nhiên, các trường đại học cũng có thể sẽ phải cân nhắc, bối rối khi sử dụng kết quả của bài thi này để tuyển chọn TS. Đỉnh của phổ điểm sẽ ở mức 7 điểm" - các giáo viên của tổ toán nhận định.

Đề văn hay, bất ngờ 

Nhận xét về đề ngữ văn, cô Văn Trịnh Quỳnh An, giáo viên Trường THPT Gia Định (TP HCM), cho biết ngữ liệu ở phần đọc - hiểu khá hay, câu 1, câu 2 là những câu nhận biết rất dễ có điểm. Tuy nhiên ở câu 3 lại khá rối, thậm chí khi giáo viên đọc đề cũng tốn khá nhiều thời gian để suy nghĩ. Câu 4 lại đơn giản, không khó, là một câu hay. Câu nghị luận xã hội không mới, không có tính cập nhật (vì tính thời sự, cập nhật thường được ưu tiên trong câu nghị luận xã hội này; ví như đề năm ngoái trong bối cảnh dịch bệnh thì đề là sự cần thiết phải trân trọng sự sống mỗi ngày lại rất phù hợp). Câu nghị luận văn học đơn giản, nhẹ nhàng.

Thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP HCM), nhận xét đề thi ngữ văn sáng 7-7 khác hoàn toàn so với đề thi minh họa mà Bộ GD-ĐT đã công bố trước đó nhưng lại khá giống đề thi chính thức của kỳ thi năm 2020. Trong đề thi minh họa, chọn ngữ liệu đọc hiểu là một đoạn thơ và nghị luận văn học là một đoạn văn xuôi. Trong khi đề thi chính thức thì ngược lại. Thầy Đức Anh cho rằng, pha "lật kèo" này của Bộ GD-ĐT khiến nhiều TS bất ngờ. Theo nhận định và dự đoán của nhiều giáo viên và học sinh năm nay thì TS sẽ tập trung ôn kỹ các tác phẩm văn xuôi nhưng luyện kỹ dạng đề đọc hiểu và thơ. Do đó, TS sẽ không thể phóng bút và khó thăng hoa với đề thi này. "TS có kỹ năng làm bài và ôn luyện chăm chỉ thì với đề thi này có thể đạt từ 7 điểm trở lên. Trong đề thi không có câu "gài bẫy", đánh đố hay làm khó TS nhưng đánh giá tổng quát thì đề thi năm nay hay" - thầy Đức Anh nhận định.

Cụ thể, thầy Đức Anh phân tích: Câu đọc - hiểu: Ngữ liệu ngắn vừa phải, nội dung hay, nhẹ nhàng nhưng lại có tính giáo dục cao. 4 câu hỏi đọc - hiểu thoát ly hoàn toàn kiểu hỏi để kiểm tra kiến thức tiếng Việt, hay từ ngữ pháp (như biện pháp tu từ, phương thức biểu đạt). 4 câu hỏi đều đúng nghĩa là đọc - hiểu và tạo cơ hội cho TS bày tỏ quan điểm về mình, không gò bó. Ở câu nghị luận xã hội: Vấn đề "sự cần thiết của việc cống hiến" gần gũi, quen thuộc và có ý nghĩa thiết thực đối với việc định hướng lối sống đẹp cho TS vào ngưỡng cửa của sự trưởng thành. Với câu này, TS dễ viết và cũng đã ôn luyện nhiều trong đề thi thử ở các trường.

Nhiều giáo viên xếp các tác phẩm văn xuôi có khả năng cao hơn thơ nên việc đưa thi phẩm "Sóng" của nhà thơ Xuân Quỳnh vào đề thi gây bất ngờ vì hơn 10 năm qua, "Sóng" không nằm trong đề thi tốt nghiệp THPT. 

Báo Người Lao Động giải đề tổ hợp, ngoại ngữ

Hôm nay (8-7), TS sẽ dự thi tổ hợp tự chọn khoa học xã hội hoặc khoa học tự nhiên và môn thi bắt buộc là ngoại ngữ (tiếng Anh). Báo Người Lao Động sẽ tiếp tục đăng gợi ý giải đề thi tại địa chỉ nld.com.vn ngay sau môn thi kết thúc do đội ngũ các giáo viên giàu kinh nghiệm tại TP HCM thực hiện. Mời bạn đọc đón xem.

Yến Anh - Đặng Trinh